Trong xã hội, mọi tổ chức muốn tồn tại và phát triển, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đều phải xây dựng được hệ thống các quy định, quy chế hoạt động, hay nói cách khác là phải có kỷ luật và tất cả các thành viên trong tổ chức đều phải tuyệt đối thực thi. Rõ ràng, kỷ luật càng chặt chẽ thì tổ chức càng vững mạnh, kỷ luật mà lỏng lẻo, các thành viên trong tổ chức không chấp hành, hoặc chấp hành kỷ luật theo kiểu đối phó, hình thức, vô kỷ luật thì tổ chức khó tránh khỏi tan rã.
Đối với Đảng ta, vấn đề giữ nghiêm kỷ luật là yếu tố sống còn khi Đảng lãnh xướng sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Bởi rằng, mọi hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, dù nhỏ nếu không được phát hiện, điều chỉnh, uốn nắn kịp thời sẽ dẫn đến vi phạm lớn và hệ quả là làm suy yếu năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Kỷ luật của Đảng không nằm ngoài mục đích để bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất quán giữa ý chí và hành động, giữa các tổ chức đảng và đảng viên. Kỷ luật càng chặt chẽ, nghiêm minh thì mọi đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng sẽ được triển khai thắng lợi và giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự giác chấp hành, luôn đặt mình trong khuôn khổ, “không muốn, không thể và không dám” vi phạm kỷ luật của Đảng. Chỉ có những kẻ “cố ý phá hoại”, những người không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tha hóa, biến chất mới bất chấp tất cả mà vi phạm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Đảng mạnh chính là nhờ có kỷ luật nghiêm minh. Về vấn đề này, Lênin đã khẳng định: “Nếu không có kỷ luật sắt hết sức nghiêm khắc thì người Bônsêvich không giữ nổi chính quyền lấy hai tháng rưỡi chứ đừng nói là hai năm rưỡi”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Lênin, trong các bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của việc giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Người khẳng định: “Đảng có những điều kiện kỷ luật bắt buộc mỗi đảng viên phải theo. Không có kỷ luật sắt không có Đảng. Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”[1].
Kỳ họp thứ 37, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. Ảnh: Anh Quân |
Hơn một thập kỷ trở lại đây, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang gặt hái được nhiều thành quả to lớn rất đáng ghi nhận, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ. Đây chính là quá trình Đảng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, để mỗi tổ chức đảng, đảng viên “tự soi”, tự nhìn nhận ra khuyết điểm, hạn chế và ra sức uốn nắn, sửa mình trước khi vượt qua ranh giới, khuôn khổ kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Ngược lại, những con số thống kê về số lượng tổ chức đảng và đảng viên bị thi hành kỷ luật thời gian qua, dẫu có thể khiến chúng ta buồn lòng, thậm chí là đau xót. Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là những “con sâu” đã làm mục ruỗng tổ chức, làm suy yếu năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng nên nhất thiết phải loại bỏ. Chúng ta vẫn còn đó đội ngũ hơn 5 triệu đảng viên trong toàn Đảng, luôn sục sôi nhiệt huyết, kiên định lý tưởng của người cộng sản và tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn đặt nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân lên trên hết, trước hết.
Sức mạnh của Đảng nằm trong mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên, nhưng để sức mạnh của Đảng muôn triệu người như một thì nhất thiết phải đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động. Quan trọng hơn, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấu triệt và thực hành thường xuyên tinh thần tự giác chấp hành kỷ luật đảng, tự giác đặt mình trong sự quản lý của tổ chức đảng. Điều đó đòi hỏi mỗi đảng viên, dù đặt trong điều kiện, hoàn cảnh nào, luôn phải tự giác chấp hành kỷ luật của Đảng. Chấp hành kỷ luật đảng không chỉ cần tinh thần tự giác mà cao hơn là sự bắt buộc. Tuy nhiên, yếu tố “bắt buộc” trong kỷ luật của Đảng không phải là sự ép buộc, càng không phải là miễn cưỡng thực thi mà phải trên cơ sở giác ngộ chính trị, giác ngộ càng cao thì bắt buộc sẽ trở thành tự giác và tự giác càng cao, kỷ luật của Đảng càng nghiêm túc.
Giữ gìn sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng - mệnh lệnh không lời
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về những nguyên nhân dẫn đến làm mất kỷ luật đảng và đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người đã nhấn mạnh rằng: “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”[2].
Trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần đã mang đến sự phát triển to lớn cho đất nước, nhưng đồng thời cũng đặt ra rất nhiều vấn đề. Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên do không thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, không thường xuyên tôi rèn bản lĩnh nên sa vào chủ nghĩa cá nhân, sa vào “bẫy” suy thoái, bị thâu tóm và thao túng bởi lợi ích nhóm, bị hấp dẫn bởi ma lực của đồng tiền. Họ dễ dàng gục ngã trước những viên “đạn bọc đường”, dẫn đến tham ô, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và hệ quả nhãn tiền là tù tội, rơi vào vòng lao lý. Hơn hết là bản án lương tâm với đồng chí, đồng nghiệp, với cơ quan, gia đình, dòng tộc khi không chỉ làm mất đi danh dự của bản thân mà còn làm tổn hại thanh danh của Đảng.
Có thể khẳng định rằng, chính chủ nghĩa cá nhân là thứ đẻ ra mọi loại vi phạm, khuyết điểm, tật ách, tai tương và “bẫy” suy thoái không chừa một ai. Giữ gìn sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, hay nói cách khác là phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật của Đảng là mệnh lệnh, là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với mọi tổ chức đảng và mọi đảng viên trong mọi giai đoạn, mọi thời điểm. Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh và giữ gìn danh dự người đảng viên, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Đây là yêu cầu bắt buộc và phải thực hành thường xuyên, như “đánh răng, rửa mặt” hằng ngày, bởi rằng chỉ có đạo đức cách mạng trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng mới có thể vượt qua được mọi cám dỗ, không sa vào chủ nghĩa cá nhân và “bẫy” suy thoái. Đạo đức, danh dự, nhân phẩm của người đảng viên không phải “trên trời sa xuống”, cũng không phải cứ gắn lên mình hai chữ đảng viên là có được. Đó là cả quá trình bền bỉ tu dưỡng, kiên tâm, bền chí rèn luyện hằng ngày, “cũng như ngọc càng mài càng sáng”, nên mỗi người phải biết trân trọng, giữ gìn và bảo toàn, “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, để xứng đáng là người đảng viên của Đảng.
Hai là, “Kỷ luật của Đảng ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác...”, vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự giác nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Chỉ khi nghiêm túc và tự giác học tập, mỗi cán bộ, đảng viên mới thấu triệt và nghiêm túc chấp hành mọi quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi đó, mỗi người sẽ nghiêm túc và tự giác đặt mình trong khuôn khổ kỷ luật, kỷ cương, phép tắc của Đảng.
Ba là, những năm gần đây, hệ thống pháp luật ở nước ta đã tương đối hoàn thiện và đồng bộ, tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa theo sát với thực tiễn đang vận động và phát triển liên tục. Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, các quy định của Đảng vẫn còn chậm được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật Nhà nước. Cụ thể như, trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nêu rõ: “kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp...”. Tuy nhiên, phải đến 2 năm sau Chính phủ mới ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...
Những nguyên nhân trên vô hình trung tạo ra lỗ hổng, kẽ hở khiến cho cán bộ, đảng viên hoặc là sợ sai không dám làm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, hoặc là những kẻ “cố ý phá hoại”, những kẻ đã sa vào “bẫy” suy thoái bất chấp tất cả mà lợi dụng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Do đó, việc hoàn thiện và đồng bộ hệ thống pháp luật; kịp thời thể chế hóa các quy định của Đảng thành chính sách pháp luật Nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng pháp luật, hành lang pháp lý và các chế tài phải tiệm cận, đồng bộ với các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng để vừa mang ý nghĩa giáo dục, vừa cảnh báo, răn đe và nghiêm khắc, nghiêm minh, để bảo đảm mọi cán bộ, đảng viên “không thể, không dám, không muốn” vi phạm kỷ luật Đảng.
Bốn là, thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng trong thời gian qua, đó là công tác kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, kịp thời. Do đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần phải duy trì thường xuyên, liên tục công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới. Nhất là tăng cường kiểm tra đột xuất, không chờ đến khi “có dấu hiệu vi phạm” mới tiến hành kiểm tra. Quá trình kiểm tra, giám sát phải được tiến hành nghiêm túc và thực chất, tuyệt đối không được dung túng, bao che, không nhẹ trên, nặng dưới. Làm tốt phần việc này chính là góp phần quan trọng, giúp chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Đảng; kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm ngay từ khi còn manh nha và ngăn chặn kịp thời, không để những vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn, không để vi phạm của cá nhân thành sai phạm của cả tập thể.
Năm là, người xưa đã răn “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, từ thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua cho thấy, ở mọi cơ quan, đơn vị, địa phương, khi người đứng đầu gương mẫu và thường xuyên thực hành nêu gương trong mọi việc, từ lời nói đến hành động thì các đảng viên và quần chúng cấp dưới cũng sẽ theo đó mà học theo, làm theo. Bởi vậy, cần đề cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của người đứng đầu các cấp; cấp trên làm gương cho cấp dưới, đảng viên làm gương cho quần chúng trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
TRẦN MINH MẠNH
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t16, tr.367.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 tr.547.