Để việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu, nhân lên những tấm gương, việc làm tốt đẹp trong đời sống xã hội

10:23 30/11/2022     1123

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng, là biểu tượng về ý chí, nghị lực và sự phấn đấu, hy sinh không ngừng vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, nhân lên những điều tốt đẹp để cả dân tộc ta là “một rừng hoa đẹp”, xây dựng và phát triển đất nước, lan tỏa và góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu, thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.

 

Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc _Tranh của họa sĩ Vương Trình, sáng tác năm 1967 _ Ảnh: tư liệu

 

1- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng và mẫu mực về tư tưởng và phong cách gần dân, trọng dân, suốt đời vì nhân dân, hết lòng chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, cơ cực, nên nỗi suy tư, trăn trở lớn nhất của Người chính là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”(1). Nỗi niềm đó đã trở thành khát vọng mãnh liệt, thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, khởi đầu cho một hành trình gian lao, nhưng đầy vinh quang - Hành trình khát vọng: “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(2).

Trên hành trình ấy, chứng kiến những nỗi đau của mỗi kiếp cần lao, mỗi đời nô lệ, khi bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lòng yêu nước, thương dân của Người đã hòa nhịp, kết tinh với tình yêu thương nhân loại; khát vọng giải phóng dân tộc gắn liền với khát vọng giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công. Lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đã trở thành động lực, lẽ sống mà trọn đời mình - Người đã dâng hiến, hy sinh!

Đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, cách mạng Việt Nam đã ghi những trang sử vàng chói lọi, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khẳng định và tiếp nối hành trình Hồ Chí Minh, Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ; tập trung làm tốt 3 vấn đề: Học tập, làm theo, nêu gương; đồng thời, khuyến khích, cổ vũ cán bộ, đảng viên suy nghĩ và hành động vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của nhân dân. Quán triệt và thực hiện tinh thần đó, thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả; và từ đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp sức xây dựng và phát triển đất nước.

Những câu chuyện về các tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, bằng những việc làm thiết thực đã và đang cổ vũ mọi người dân Việt Nam bước tiếp hành trình đầy vẻ vang, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh người giáo viên đã 80 tuổi đời vẫn không một ngày ngơi nghỉ với công tác khuyến học, khuyến tài; một cô giáo băng mình giữa dòng thác lũ đưa học trò tới lớp; người bác sĩ dành trọn cuộc đời vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mang hạnh phúc đến với những gia đình thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ, những trẻ em chịu ảnh hưởng của chất độc da cam; những cán bộ, chiến sĩ, doanh nhân, công nhân, nông dân, cựu chiến binh… sẵn sàng đến với miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, không quản khó khăn, nguy hiểm vì sự bình an và hạnh phúc của nhân dân… khiến chúng ta thực sự xúc động và trân trọng biết bao! Những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác đến từ nhiều ngành, nghề, địa phương khác nhau, song đều có một điểm chung, đó chính là mẫu mực nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn thể hiện bản lĩnh, khí phách kiên cường, sẵn sàng hy sinh “Tận hiến vì dân”. Điều đó càng khẳng định phẩm giá, khí phách con người Việt Nam, tiếp tục bồi đắp và tỏa sáng những hệ giá trị cao quý của quốc gia, văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao biểu trưng tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh _Ảnh: TTXVN

 

2- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta di sản vô cùng quý báu, đó là: Thời đại Hồ Chí Minh; sự nghiệp Hồ Chí Minh; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm, niềm tự hào của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, nhân lên những điều tốt đẹp để cả dân tộc ta là “một rừng hoa đẹp”, xây dựng và phát triển đất nước, lan tỏa và góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu, thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.

Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; an sinh xã hội được chú trọng, quan tâm trong từng chính sách phát triển. Việt Nam có Chỉ số phát triển con người thuộc nhóm cao trên thế giới và cũng là một trong những nước đi đầu trong việc hoàn thành sớm các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Sự kiện Việt Nam trúng cử là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 không chỉ khẳng định vị thế của nước ta trên trường quốc tế, mà còn là lời khẳng định về nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa nhân văn, vì con người - đó chính là sự tiếp nối hành trình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi mở và dẫn đường. Lời chỉ dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(3) và quan điểm “Dân là gốc” tiếp tục được quán triệt thực hiện trong toàn Đảng với tinh thần: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, mọi chủ trương, đường lối, chính sách phải thật sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu của Đảng.

Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”” gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” và Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, “Về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, tự tu dưỡng, rèn luyện; nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể theo đúng phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”, “học tập đi đôi với làm theo”; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Mỗi tập thể, cá nhân cần phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, bản lĩnh, khí phách của con người Việt Nam, thi đua, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tương thân, tương ái, đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Và để có thêm nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những mô hình hay, cách làm hiệu quả; đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương, điển hình trong học tập và làm theo Bác, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội; đổi mới hơn nữa nội dung, phương pháp, hình thức học tập, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để di sản mà Người để lại tiếp tục được khẳng định và phát huy mạnh mẽ; khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam, tinh thần cống hiến, ý chí, khát vọng phát triển đất nước.  

Năm 2022 ghi dấu chặng đường 95 năm tác phẩm “Đường Cách mệnh” và 75 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian qua đi, song những chỉ dẫn của Người trong các tác phẩm ấy vẫn có ý nghĩa thời đại sâu sắc, là cuốn cẩm nang để mỗi chúng ta tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, giữ vững niềm tin, kiên định lý tưởng, nâng cao bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, tiếp nối hành trình thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

Nguyễn Trọng Nghĩa
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. I, tr. 112
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 627
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 51

 

Theo TCCS