Đấu tranh, ngăn chặn luận điệu xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam

21:54 23/12/2023     3590

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Gần 40 năm qua kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có việc bảo đảm nhân quyền góp phần ổn định và phát triển bền vững đất nước.

Các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) được duy trì.

Các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) được duy trì.

 

Nhiều năm trở lại đây, vấn đề dân chủ, nhân quyền là một trong những mục tiêu trọng tâm mà các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội, phản động thường xuyên lợi dụng, khai thác để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Các đối tượng liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Theo đó, một số phúc trình, báo cáo về nhân quyền thế giới đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, không chính xác về vấn đề tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Mặt khác, các đối tượng chống phá không ngừng rêu rao về cái gọi là “tù nhân lương tâm”, từ đó lợi dụng, đòi quyền can thiệp tình hình nội bộ Việt Nam, cổ súy, kích động những đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn và cơ hội chính trị tố cáo Việt Nam vi phạm quyền con người.

Chẳng hạn, báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) - một trong những tổ chức phản động người Việt lưu vong tại California, Mỹ đã dựng lên việc hiện có gần 300 “tù nhân lương tâm” đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam và gần 80 người bị chính quyền bắt giữ trong năm 2021.

Một số đối tượng được gọi tên và tung hô trên các diễn đàn như “anh hùng” vì đã dũng cảm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nhưng trên thực tế lại là các đối tượng thường xuyên kích động nhân dân chống đối chính quyền soạn thảo, phát tán nhiều tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước, bôi xấu chế độ hoặc vi phạm pháp luật nhà nước.

Ngoài ra, cũng phải nhắc tới một số cá nhân vì bất mãn cá nhân hoặc mục đích riêng thường xuyên trả lời phỏng vấn báo đài, nước ngoài xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; thậm chí tập hợp lực lượng là các phần tử, tổ chức trong nước và ngoài nước, hướng dẫn kỹ năng hoạt động chống phá chính quyền.

Tổ chức khủng bố Việt Tân còn dựng lên “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng”, đồng thời coi đây như “một nỗ lực đóng góp cụ thể vào công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do của dân tộc Việt Nam”!

Với chiêu bài cổ súy, bảo vệ cho những hành vi xem thường luật pháp, gây rối trật tự xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá chế độ, các đối tượng chống đối trong nước móc ngoặc với các thế lực thù địch bên ngoài tìm mọi cơ hội để lan truyền những thông tin ngụy tạo, sai sự thật hòng đánh lừa dư luận về những sai lầm khuyết điểm của các tổ chức cá nhân, lên án “sự yếu kém của chế độ”, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Mục đích mà các đối tượng hướng đến là nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự; hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam; kích động chia rẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước phục vụ cho chiến lược “diễn biến hòa bình” và đích cuối cùng là nhằm chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Cần khẳng định rằng, trong tiến trình xây dựng nền văn minh, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều quản lý xã hội bằng công cụ pháp luật. Những đối tượng vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của luật pháp.

Pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp quy định của pháp luật quốc tế và yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cho sự phát triển tự do của nhân dân, góp phần xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền con người.

Trong đó, tôn trọng và bảo đảm nhân quyền là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Các luận điệu chống phá mà những đối tượng cơ hội, phản động, các thế lực thù địch đưa ra không dựa trên những thông tin chính thống, có kiểm chứng mà dựa trên những thông tin thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén có dụng ý, với động cơ chính trị rõ ràng để bôi nhọ Việt Nam.

Như cái gọi là “tù nhân lương tâm” chỉ là sự bịa đặt, sai lệch về pháp lý, bởi lẽ khi có hành vi phạm tội, đối tượng phải chịu sự điều tra, truy tố, xét xử công khai, bị tuyên án và phải chịu hình phạt theo quyết định có hiệu lực của tòa án.

Ở Việt Nam hoàn toàn không có “tù nhân lương tâm”, chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật và bị các cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc kích động hay ra sức bảo vệ các đối tượng gọi là “tù nhân lương tâm” chỉ là sự cổ súy cho những kẻ vi phạm pháp luật bị kết án nhưng không chấp hành hình phạt, đội lốt dân chủ, lợi dụng dân chủ để chống phá đất nước, chuyển hóa chế độ xã hội tại Việt Nam.

 

Có thể thấy rất rõ mưu đồ này qua việc tổ chức khủng bố Việt Tân ra sức tung hô, đánh bóng và lấy tên giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng - vốn là tên một thành viên của tổ chức này, song trên thực tế lại là đối tượng có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật.

Ngày 18/10, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Lê Đình Lượng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999. Quá trình xét xử tại phiên phúc thẩm tiếp tục làm rõ Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm; là đối tượng tích cực tuyên truyền, lôi kéo các đối tượng có tư tưởng chống đối trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức Việt Tân.

Do đó, tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Lê Đình Lượng chịu mức án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế. Do đó, không ai bất ngờ khi giải thưởng Lê Đình Lượng được lập ra chỉ nhằm trao và cổ súy cho những “nhà hoạt động nhân quyền” cũng đều là những đối tượng vi phạm pháp luật, bị tòa kết án.

Trên thực tế, ngay từ khi thành lập, Nhà nước Việt Nam luôn đặt quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của công dân lên hàng đầu, và vấn đề này được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân một cách đầy đủ. Cụ thể tại Điều 15, Hiến pháp 2013 quy định rõ: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Công dân Việt Nam được đảm bảo về nhân quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội, quyền khiếu nại, tố cáo… Pháp luật tôn trọng và bảo vệ những tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mỗi tổ chức và cá nhân nếu phù hợp tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật, phù hợp chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc.

Đồng thời, nếu những tổ chức và cá nhân có mục đích xấu, động cơ không trong sáng, viện cớ về quyền tự do dân chủ, nhân quyền nhưng lại chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước thì đều phải chịu các chế tài xử phạt tương ứng.

Với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Việt Nam đã có những nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm qua để thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền.

Nhiều thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các tổ chức của Liên hợp quốc đánh giá cao. Việt Nam xứng đáng với vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia và chủ trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, biến đổi khí hậu và quyền con người,… từ đó có nhiều đóng góp thiết thực đối với hoạt động của Liên hợp quốc.

Việt Nam luôn cầu thị và nỗ lực làm tốt hơn trong vấn đề bảo đảm nhân quyền cho mọi người dân. Trong nhiều báo cáo chính thức của Việt Nam trước các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc đã thẳng thắn đề cập trực tiếp về những khó khăn Việt Nam gặp phải trong công tác nhân quyền, từ đó đề ra những giải pháp để cải thiện trong thời gian tới.

Thực tế tuy đạt nhiều thành tựu về kinh tế-xã hội với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, được sự hỗ trợ, quan tâm từ Chính phủ nhưng nguồn lực của đất nước vẫn còn hạn chế nên cơ sở vật chất các ngành giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao, y tế... còn thiếu thốn, ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đầy đủ quyền của người dân, nhất là khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu đồng bộ, chưa thật sự sát với thực tiễn. Nhưng quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta là “không ai bị bỏ lại phía sau” và để đạt được điều đó cần sự chung sức, đồng hành, quyết tâm của toàn xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay xuất hiện những đối tượng có mục đích đen tối, thiếu trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng, cố tình lợi dụng quyền tự do, dân chủ để làm tổn hại lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân; thường xuyên sử dụng chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Để không bị kẻ xấu dẫn dắt, tin nghe theo những luận điệu sai sự thật, mỗi người cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin không chính thống xuyên tạc việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Các cá nhân trong điều kiện và khả năng thực tế cần tích cực tham gia đóng góp công sức vào quá trình phát triển của đất nước; chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động./.

 

Theo nhandan