Cần xử lý triệt để tình trạng lãng phí
09:08 04/11/2024 30
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Kiên quyết chống lãng phí, việc phòng chống lãng phí được xác định “có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Điều này đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, nhất là trong việc xử lý triệt để tình trạng lãng phí.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phát biểu, ngày 30/10. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Điều đó được thể hiện rõ trong Pháp lệnh (năm 1998); Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (năm 2013). Năm 2022, Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 5 năm (từ 2016-2021).
Tại thời điểm đó, đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tiết kiệm, chống lãng phí thực tế chưa được như kỳ vọng. Vẫn còn hàng loạt bất cập, hạn chế trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí khi hàng ngàn dự án, công trình, hàng chục ngàn héc ta đất bị bỏ hoang, những khu “đất vàng” để cho cỏ mọc hay các đại dự án thua lỗ nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng gây thất thoát, lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách nhà nước.
Gần đây nhất, tại cuộc họp thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 30/10, thống kê cho thấy, hiện có 9 dự án về xây dựng, 22 dự án về điện lực, công nghiệp, 15 dự án về giao thông, 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch, 4 dự án về nông nghiệp cần xử lý để chống lãng phí.
Trước đó, trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội ngày 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng "điểm danh" các dự án gây thất thoát lãng phí. Đó là dự án chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh trị giá 10.000 tỷ đồng nhưng trải qua hai nhiệm kỳ vẫn chưa thể hoàn thành, tiền Nhà nước đã bỏ ra nhưng người dân vẫn phải sống trong cảnh ngập lụt. Hay dự án xây dựng bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam đã kéo dài cả chục năm nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng; trong khi đó, người dân địa phương và các vùng lân cận vẫn phải “vượt tuyến” lên các bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội. Đó là một sự lãng phí vô cùng to lớn, cả về nguồn lực ngân sách nhà nước lẫn tiền bạc của người dân.
Những tác hại và hậu quả của “căn bệnh” lãng phí nhãn tiền hay lâu dài rõ ràng ai cũng đều có thể nhìn thấy. Mức độ nguy hại của lãng phí cũng đã được chỉ ra, đây là phạm vi rất rộng, “thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều so với tham nhũng, tiêu cực”, bởi tham nhũng ở góc độ nào đó, chỉ có thể xảy ra ở “những nơi, những đối tượng có thể tham nhũng”; còn lãng phí thì có thể xảy ra phổ biến ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, với mọi đối tượng trong phạm vi toàn xã hội. Đó không chỉ là “dự án treo”, các đại dự án thua lỗ kéo dài không được xử lý triệt để gây thất thoát. Mà lãng phí còn có thể hiện diện ở bất cứ mỗi cá nhân, tập thể, đơn vị, ngay cả ở mỗi người dân khi không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, kỷ luật công việc. Sử dụng nhiều hơn mức cần thiết tài nguyên, cơ sở vật chất của cơ quan,… cũng là lãng phí. Không tận dụng thời gian trong công việc, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về cũng là lãng phí. Hay như việc sử dụng sách giáo khoa hiện nay, gần như học sinh lớp sau không thể sử dụng lại bộ sách của anh chị khoá trước do mỗi nơi dùng một bộ sách riêng, cũng là một sự lãng phí rất lớn.
Lãng phí không chỉ làm giảm suy nguồn lực tài chính, cạn kiệt tài nguyên của đất nước, mà còn lãng phí nguồn nhân lực con người, giảm lòng tin của nhân dân. Nguy hại hơn, lãng phí như căn bệnh có thể lây lan, bởi thái độ thờ ơ, vô cảm trước tài sản công, trước những vấn đề chung “không liên quan đến mình”. Tình trạng lãng phí kéo dài cũng không khác gì như những “tổ mối” sẽ ngày càng làm rỗng “thân đê”, không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước mà ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Nhưng làm thế nào để phòng chống lãng phí hiệu quả, triệt để? Kiên quyết chống lãng phí, coi phòng chống lãng phí “có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến này. Nhưng quyết tâm phải biến thành hành động, mà một trong những việc cần làm ngay chính là việc các cơ quan chức năng phải rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài, dự án hiệu quả thấp gây thất thoát, lãng phí lớn vì “đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của của nhân dân”. Hơn hết, các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí phải được làm rõ trách nhiệm, phải có người chịu trách nhiệm về việc để xảy ra lãng phí; các dự án không làm được phải thu hồi.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mới đây (ngày 30/10). Đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Sửa đổi, bổ sung ngay các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước. Rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận quan tâm theo tinh thần là xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt là, xây dựng văn hóa, chống lãng phí trong toàn xã hội, trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, đưa vào nội quy của từng cơ quan, hương ước của thôn, xóm, quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, xử lý các vi phạm từ hành chính đến mức cao, nhất là hình sự…
Xuân Phong/Báo Tin tức
Theo TTXVN Tweet