Cách mạng Tháng Mười Nga với tư duy chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay

09:56 15/11/2022     891

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   105 năm đã trôi qua, song những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn mang tính thời sự. Những tư tưởng vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn luôn tươi mới trong đời sống nhân loại, với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các chính đảng cách mạng của họ...
 

V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moscow trong lễ kỷ niệm một năm Ngày thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vào ngày 7/11/1918. (Ảnh tư liệu)

 

Xã hội loài người đã diễn ra hàng trăm cuộc cách mạng, nhưng chưa có cuộc cách mạng nào triệt để và sâu sắc như Cách mạng Tháng Mười Nga 1917. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã để lại nhiều giá trị lịch sử và thời đại quý báu cho mỗi dân tộc trên con đường đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng của mình. Trước bối cảnh quốc tế đang biến chuyển mau lẹ, phức tạp, khó lường, Cách mạng Tháng Mười Nga còn nguyên giá trị và những bài học kinh nghiệm cho chúng ta về một tư duy chiến lược về bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

1. Bảo vệ Tổ quốc XHCN là tất yếu khách quan, nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu và thường xuyên, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Tổ quốc

Lịch sử đã cho thấy, ngay khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra và giành thắng lợi, chính chủ nghĩa tư bản (CNTB) và chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) là kẻ hoảng loạn và lo lắng hơn bao giờ hết cho địa vị áp bức lao động và thống trị giai cấp và các dân tộc mà chúng đã thiết lập hằng trăm năm trên thế giới, đã bị đánh đổ trên 1/6 diện tích địa cầu. Vì vậy, chúng đã tập trung toàn lực, phối hợp liên quân 14 nước đế quốc với bọn phản động trong nước Nga, tiến công Chính quyền nhà nước và đất nước Nga Xôviết non trẻ suốt hai năm ròng rã…

Trong cuộc cách mạng XHCN này, Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I.Lênin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Nga và giai cấp vô sản thế giới, đã phân tích bản chất kinh tế - chính trị của CNTB, CNĐQ để làm rõ tính tất yếu bảo vệ Tổ quốc XHCN. V.I.Lênin chỉ ra: còn CNĐQ thì còn nguy cơ chiến tranh xâm lược; cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN là cuộc chiến tranh chính nghĩa và tự vệ… Nhận thức sâu sắc về bối cảnh thế giới và nước Nga Xôviết lúc bấy giờ, Người đã chỉ rõ: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ đấu tranh có tính chất lịch sử chống giai cấp tư sản thế giới là giai cấp hiện đang mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Trong thời kỳ đấu tranh như thế, chúng ta phải bảo vệ công cuộc xây dựng cách mạng, phải đấu tranh chống giai cấp tư sản bằng quân sự và nhất là bằng đấu tranh tư tưởng, bằng giáo dục để cho những tập quán, những thói quen, những niềm tin mà giai cấp công nhân đã rèn đúc được trong hàng chục năm đấu tranh giành tự do chính trị, để cho toàn bộ những tập quán, thói quen và tư tưởng đó biến thành công cụ giáo dục toàn thể những người lao động” [1]… Xuất phát từ chính bản chất, âm mưu, thủ đoạn tiêu diệt Nhà nước Nga Xôviết của CNĐQ, V.I.Lênin đã kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm nhận thức sai lầm đòi hỏi “giải trừ quân bị” ngay lập tức, hoặc kêu gọi “hòa hoãn” với kẻ thù. Người khẳng định: “Chỉ có sau khi đã tước vũ khí giai cấp tư sản rồi, thì giai cấp vô sản mới có thể vứt bỏ vào đống sắt vụn tất cả vũ khí nói chung, mà không phản lại nhiệm vụ lịch sử thế giới của mình; và giai cấp vô sản nhất định sẽ làm như thế, nhưng chỉ có đến lúc ấy mới làm được, chứ quyết không thể làm trước lúc ấy được” [2].

Ngày nay, dẫu bối cảnh lịch sử đã đổi thay, chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên thế giới có sự thoái trào, nhưng bản chất, nội dung cơ bản của thời đại không thay đổi. Vẫn đúng như V.I.Lênin đã từng xác định nội dung của thời đại mới là xóa bỏ giai cấp tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa, đồng thời thiết lập những cơ sở của xã hội mới là xã hội XHCN và cộng sản chủ nghĩa. Đây là quá trình lịch sử lâu dài, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga, sau đó là những cuộc cách mạng ở nhiều nước khác trên thế giới. Với cơ sở thực tiễn đó đã giúp Đảng ta khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” [3]… Vì vậy, cùng với công cuộc xây dựng CNXH là quá trình tất yếu về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Quá trình này cần tiếp tục được thể hiện rõ ràng, nhất quán và xác lập trong tư duy Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Phải coi bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên suốt thời kỳ quá độ lên CNXH; đi liền, gắn chặt với mọi nhiệm vụ giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại. Có như vậy, tư tưởng và giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga mới tiếp tục được phát triển và tỏa sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam hiện nay.  

2. Mục tiêu của bảo vệ Tổ quốc XHCN là bảo vệ toàn vẹn phương diện tự nhiên - lịch sử, chính trị - xã hội của Tổ quốc, trọng tâm là bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa tới sự ra đời của Tổ quốc XHCN - tổ quốc kiểu mới trong lịch sử nhân loại. Ở đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trở thành người làm chủ thực sự xã hội, làm chủ Tổ quốc, có quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Từ trong đấu tranh cách mạng, V.I.Lênin đã thấu hiểu sự thống nhất biện chứng của những yếu tố cấu thành phương diện tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội của tổ quốc nói chung, đặc biệt là đặc trưng bản chất của Tổ quốc XHCN, đó là: “Tổ quốc, nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hóa và xã hội, là một nhân tố mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản” [4]. Vì vậy, trước những tình thế hiểm nghèo của Cách mạng Tháng Mười, Người đã đúc rút nên mục tiêu của hành động bảo vệ Tổ quốc XHCN, rằng: “Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa xô-viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội” [5]. Với mục tiêu bao trùm là bảo vệ tính chất XHCN của Tổ quốc, V.I.Lênin đã xác định nhiều mục tiêu mang dấu ấn đặc trưng cần phải bảo vệ. Ví như, về mục tiêu kinh tế - chính trị, Người xác định: “cuộc chiến tranh diễn ra trong nước chúng ta, nơi mà công nhân và nông dân hiểu rằng họ tiến hành chiến tranh vì ruộng đất, vì công xưởng và nhà máy… rằng họ bảo vệ chính quyền của mình, Chính quyền xô-viết, chính quyền của những người lao động, rằng họ bảo vệ sự nghiệp mà một khi thắng lợi sẽ bảo đảm cho họ, cũng như con cái họ, có khả năng hưởng thụ mọi thành quả văn hóa, mọi thành quả lao động của con người” [6].

Từ thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin đã khái quát thành lý luận về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc XHCN. Lý luận này đã không ngừng được Đảng ta vận dụng và phát triển qua các giai đoạn đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, định hình và xác lập trong các Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của mình. Tuy nhiên, với bối cảnh mới như ngày nay, nhất là trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của CNĐQ và các thế lực thù địch, phản động và cơ hội về chính trị, một lần nữa chúng ta cần phải kiên định những mục tiêu trọng yếu cần phải bảo vệ của Tổ quốc XHCN. Mà bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN và nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN là những mục tiêu đặc biệt quan trọng. Sự xác lập vững chắc các mục tiêu bảo vệ này trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc chẳng những nâng cao được nhận thức, thống nhất hành động của toàn dân tộc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, mà còn làm cho các giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga ngày càng trở nên sinh động hơn trong đời sống nhân loại.

 

 Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son đánh dấu sự thắng lợi lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội. (Ảnh tư liệu)

 

3. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN là sức mạnh tổng hợp của đất nước, toàn dân và hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quản lý, điều hành của Nhà nước, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Tổ quốc và Nhà nước Nga Xô viết từ lúc ra đời còn rất non yếu trước sức mạnh của bè lũ đế quốc, các thế lực phản động. Nhưng dưới ánh sáng tư tưởng cách mạng và khoa học do Cách mạng Tháng Mười Nga, đứng đầu là V.I.Lênin đem lại, thế và lực của nước Nga Xô viết sau là Liên Xô ngày càng hùng mạnh, đã từng trở thành trụ cột, thành trì của phong trào XHCN, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giai cấp và nhân loại. Những tư tưởng của Cách mạng đã chỉ ra, sự nghiệp cách mạng XHCN muốn thành công thì “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng quân thù.

Tấm gương và sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga cho thấy những vấn đề cơ bản tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc XHCN. Sức mạnh đó đã được V.I.Lênin đúc kết trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, đó là: “sự vững chắc của chính quyền Xô viết, đó là nguồn gốc của sức mạnh vô địch của chính quyền Xô viết trên toàn thế giới” [7]. Về kinh tế, tư tưởng và quân sự, đó là: “Giai cấp vô sản chiến thắng… sau khi đã tước đoạt bọn tư bản và đã tổ chức nền sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nước mình, sẽ đứng lên chống lại cái thế giới tư bản chủ nghĩa còn lại, lôi cuốn những giai cấp bị áp bức ở các nước khác theo mình, thúc đẩy họ nổi dậy chống bọn tư bản, sử dụng khi cần thiết, ngay cả lực lượng quân sự, để chống lại các giai cấp bóc lột và nhà nước của chúng” [8]. Về kinh tế - quốc phòng, đó là: “Khả năng phòng thủ, sức mạnh quân sự của một nhà nước mà ngân hàng đã được quốc hữu hóa, thì cao hơn khả năng phòng thủ của một nước mà ngân hàng còn ở trong tay tư nhân” [9]. Về quân sự, đó là khi phải “đương đầu với mặt trận rộng lớn của các cường quốc đế quốc chủ nghĩa, chúng ta, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, là một khối liên minh đòi hỏi có sự đoàn kết chặt chẽ về mặt quân sự” [10]. Về đoàn kết quốc tế vô sản, đó là: “Thắng lợi của cách mạng vô sản thế giới đòi hỏi giai cấp công nhân các nước tiên tiến phải hết sức tin cậy lẫn nhau, đoàn kết anh em hết sức chặt chẽ với nhau và phải hết sức nhất trí trong các hành động cách mạng của họ” [11]…  

Thực tiễn và lý luận sinh động về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN được đúc kết từ Cách mạng Tháng Mười Nga cho thấy, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN luôn là sức mạnh tổng hợp bởi nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong bối cảnh hiện nay luôn đòi hỏi phải thấm nhuần và phát huy những giá trị về sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc XHCN mà Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại. Những vấn đề cơ bản về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc và phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc cần phải tiếp tục được khẳng định và thể hiện rõ ràng trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

4. Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là Quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 đã cho thấy lực lượng vũ trang, nhất là Hồng quân công nông giữ một vị trí đặc biệt quan trọng đối sự thành bại của cách mạng XHCN. Bên cạnh sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Bônsêvíc Nga, sự quản lý, chỉ đạo của Chính quyền Xô viết, đứng đầu là V.I.Lênin, thì các lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Hồng quân công nông là lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh quân sự Nhà nước và chế độ XHCN. Nhờ có sự chăm lo xây dựng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, quân sự và trang bị của Hồng quân mà thế lực của Cách mạng đã lớn mạnh, làm xoay chuyển tình thế và cán cân lực lượng nghiêng hẳn về các Xô viết trong thời kỳ hai chính phủ song song tồn tại, trong khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, cũng như trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Chính quyền Xô viết và Tổ quốc Nga XHCN.

Chính trong Cách mạng Tháng Mười, chúng ta mới thấy hết được những tư tưởng chiến lược về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và Hồng quân công nông. V.I.Lênin đã khái quát về vai trò của Hồng quân: “Muốn bảo vệ chính quyền của công nông để chống bọn ăn cướp, tức bọn địa chủ và bọn tư bản, chúng ta phải có Hồng quân mạnh mẽ… Có Hồng quân mạnh, chúng ta sẽ vô địch” [12]. Từ đó, Người đòi hỏi: “Mỗi tổ chức của nước Nga Xô viết hãy luôn luôn đặt vấn đề quân đội lên hàng đầu” [13]. Để Hồng quân trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng, với chế độ XHCN, phải xây dựng Hồng quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều cốt yếu nhất là phải đặt Hồng quân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự chỉ đạo toàn diện của các chính ủy. Tổng kết quá trình xây dựng Hồng quân, Người khẳng định: “Chúng ta đã có một đạo quân. Đạo quân ấy có kỷ luật mới. Kỷ luật này được các chi bộ đảng, các công nhân và các chính ủy giữ vững; hàng chục vạn người đó đã ra mặt trận và giải thích cho công nhân và nông dân biết nguồn gốc của chiến tranh. Đó là lý do của sự chuyển biến trong quân đội ta. Đó là lý do làm cho sự chuyển biến biểu hiện ra một cách mạnh mẽ như vậy” [14]. Để Hồng quân vững mạnh toàn diện, Người còn đòi hỏi: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân như ta chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơ là một phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ” [15].

105 năm đã trôi qua, song những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn mang tính thời sự. Những tư tưởng vĩ đại của Cách mạng còn luôn tươi mới trong đời sống nhân loại, với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các chính đảng cách mạng của họ. Vì vậy, một trong những vấn đề có tính nguyên tắc của các chính đảng cộng sản, trước tiên là đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là kiên định những giá trị mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã đem lại, nhất là về bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Hành động thiết thực nhất là bổ sung, cụ thể hóa những giá trị và tư tưởng quân sự, quốc phòng của Cách mạng Tháng Mười Nga vào đường lối và các chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Coi đó là ngọn cờ tư tưởng quân sự, quốc phòng đúng đắn, góp phần dẫn dắt dân tộc Việt Nam vươn tới mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

----------

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2005, t. 41, tr. 475.

[2] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 30, tr. 176.

[3]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.69.

[4] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 17, tr. 230.

[5] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 36, tr. 102.

[6], [11] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 38, tr. 378, 132.

[7], [12] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 39, tr. 330, 176.

[8] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 26, tr. 447.

[9] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 34, tr. 259.

[10] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 40, tr. 113.

[13], [14] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 37, tr. 148, 470.

[15] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 44, tr. 369.

 
Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Quang, Cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự
 
Theo ĐCS