Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học về công tác xây dựng Đảng
17:07 07/11/2024 486
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cách đây 107 năm, Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích lãnh đạo đã giành thắng lợi, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Thắng lợi này không chỉ làm thức tỉnh thế giới đương thời, đưa nhân loại bước vào thời kỳ mới, mà còn để lại cho Việt Nam nhiều bài học rất sâu sắc, trong đó có bài học về công tác xây dựng Đảng.
Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô viết đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình lịch sử và cục diện thế giới. Ảnh tư liệu
Giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga
Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra đã đáp ứng đầy đủ nhất những yêu cầu cấp thiết của lịch sử là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa để xây dựng một chế độ xã hội mới - chế độ xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Để có được thắng lợi vang dội đó, những người Bônsêvích Nga dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin đã chuẩn bị về mọi mặt, như: Chính trị, tư tưởng, tổ chức, quân sự...
Dưới ánh sáng của “Luận cương tháng Tư” và sự chỉ đạo của V.I.Lênin, những người Bônsêvích đã xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn Đảng. Đó là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập đội quân chính trị hùng hậu đủ sức đánh bại lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình.
Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga đã tập trung củng cố chính quyền Xô viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân. “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” được ban hành ngay sau khi cách mạng thành công, đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc. Sự thống nhất về mặt lợi ích của giai cấp vô sản với nhân dân lao động đã hình thành và phát triển một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ nghĩa tập thể.
Trong hơn 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ về tiềm lực kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Với sự lớn mạnh toàn diện, chủ nghĩa xã hội có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chính chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân lao động là động lực to lớn buộc các thế lực thực dân, đế quốc phải thừa nhận quyền độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa; chính quyền các nước tư bản có những cải cách xã hội để cải thiện đời sống của người lao động…
Từ sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã giành được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, nhất là đã huy động được lực lượng vật chất và tinh thần đánh thắng liên minh các thế lực đế quốc trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các thế lực phát xít tàn bạo trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Bài học đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay
Cách mạng Tháng Mười Nga để lại nhiều bài học quý giá, trong đó quan trọng nhất là bài học về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Từ sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh, để xứng đáng với tư cách là một đảng cách mạng chân chính, các đảng cộng sản phải luôn đề phòng và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện tiêu cực trong nội bộ đảng, như: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đặc quyền, đặc lợi, xa dân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cơ hội chủ nghĩa; phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình; phải thường xuyên tự điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là những chỉ dẫn hết sức quý báu của V.I.Lênin được rút ra từ thành công của Cách mạng Tháng Mười.
Kế thừa những giá trị quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng chủ trương lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt. Ngoài ra, Đảng luôn quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thực tiễn Cách mạng Tháng Mười chứng minh rằng, bất cứ một chế độ nào đi ngược lại lợi ích chân chính của dân tộc, của nhân dân, cản trở tiến bộ xã hội thì tất yếu bị đào thải, thay thế bởi một chế độ xã hội khác. Ngoài ra, để một tổ chức Đảng có thể tập hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân, tất yếu phải vì những mục tiêu cao đẹp, nhân văn. Nếu khi tiến hành Cách mạng Tháng Mười, Đảng Bônsêvích Nga luôn nêu cao khẩu hiệu “Chính quyền về tay các Xô viết”, thì ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam khi lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, luôn hướng đến mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những mục tiêu cao đẹp đó chính là ngọn cờ tập hợp lực lượng mà Đảng ta đã kế thừa từ những bài học quý giá của Đảng Bônsêvích Nga trong việc phát huy sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cách mạng.
Nếu chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi đường cho cách mạng Nga thành công từ năm 1917, thì chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh đã dẫn đường cho cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi quan trọng và vĩ đại trong suốt hơn 94 năm qua. Do đó, Đảng ta luôn tự hào mà khẳng định: Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Ngay sau Cách mạng Tháng Mười thành công, Đảng Bônsêvích Nga đã đứng trước sự chống phá quyết liệt của các phe phái đối lập. Do đó, một vấn đề đặt ra liên quan đến sự tồn vong của Đảng Bônsêvích là vừa phải bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa phải đấu tranh chống những phe phái phi mác xít để bảo vệ nền tảng tư tưởng của mình. Tinh thần đó hiện đang được Đảng ta kế thừa một cách sâu sắc.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng luôn nhận thức rõ và xác định: Một mặt cần phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; một mặt phải đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực phản động, cơ hội chính trị đang ra sức tấn công nhằm phủ nhận, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều đó được thể hiện rất rõ nét trong các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là trong Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Đây chính là sự vận dụng sáng tạo tinh thần đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng của người Bônsêvích Nga dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin để bảo vệ thành quả cách mạng trong thời đại ngày nay của Đảng ta.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Dù đã đi qua hơn 100 năm nhưng tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga hiện vẫn là “ngọn đuốc soi đường” cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước của Việt Nam, trong đó có công tác xây dựng Đảng.
Tiến sĩ Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Hanoimoi Tweet