Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - Bài 1
09:24 18/11/2024 260
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, giao lưu, tiếp xúc văn hóa tạo cơ hội để đất nước tiếp thu những giá trị văn hóa tiến bộ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức khi các trào lưu văn hóa ngoại lai có thể gây ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống.
Hơn nữa, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ và làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Do đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách quản lý của Nhà nước, sự sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ và sự tham gia tích cực của quần chúng Nhân dân.
Bài 1: Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt
Nếu văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn học, nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức sâu sắc điều đó, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn hóa - văn nghệ theo hướng vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra tại Hà Nội tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Hùng
Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Từ năm 1986 đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhận thức của Đảng và Nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, thể hiện rõ phương diện lý luận về xác định đường lối xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ đất nước.
Năm 1943, trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định: “Văn hóa là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Tư tưởng đó luôn được Đảng ta quán triệt và phát triển trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Lời dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ của nước ta.
Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn hóa, văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với Nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh rất to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. - Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7/2023
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển văn hóa, văn nghệ phải gắn với nhiệm vụ chính trị, tư tưởng. Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ như: Nghị quyết T.Ư 4 (khóa VII), ngày 14/1/1993 về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt; Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), ngày 16/7/1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23 NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, ngày 16/6/2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI), ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng như mục tiêu “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là một quan điểm xuyên suốt của Đảng trong sự nghiệp cách mạng. Điều này tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định trong Diễn văn chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa ngày 24/11/2021: "Văn hóa phải được xem là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Văn hóa phải được phát triển toàn diện, hài hòa cả về vật chất và tinh thần; thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội".
Trụ cột nâng đỡ về tinh thần
Trong suốt dặm dài hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, văn hóa là vũ khí sắc bén động viên tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu của Nhân dân ta, góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang. Trong thời kỳ đổi mới, văn hóa tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hội nhập quốc tế, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển văn học nghệ thuật và nhiều lĩnh vực văn hóa khác. Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao, du lịch tiếp tục được hoàn thiện. Các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội, phát huy vai trò trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách con người Việt Nam, nhất là trong giới trẻ. Các thiết chế văn hóa từ T.Ư đến cơ sở không ngừng được đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Theo Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận T.Ư, văn hóa, văn nghệ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, đời sống văn hóa, văn nghệ của Nhân dân ngày càng phong phú. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, sản phẩm văn hóa, văn nghệ ngày càng phong phú, đa dạng. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành; quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa, văn nghệ từng bước đi vào chiều sâu, tiếp nhận có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động vẫn luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
“Chúng cho rằng, văn hóa, văn nghệ chân chính phải độc lập với chính trị, nhưng chúng lại dùng chính văn hóa, nghệ thuật để làm công cụ tuyên truyền, xuyên tạc nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Từ đó từng bước phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa là tự do sáng tạo, không cần định hướng và xa rời chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa” - PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho hay.
Đặc biệt, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các thế lực thù địch, phản động đã lập các website, tổ chức nhiều chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Việt có giao diện mô phỏng theo kênh chính thống của Đảng, Nhà nước nhằm trộn lẫn những thông tin đúng - sai, thật - giả, gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Chúng còn lập hàng nghìn blog, trang Facebook, Twitter, Youtube, Zalo... để livestream, đăng tải các clip, những nội dung xuyên tạc, bài xích, gây kích động làm giảm lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.
Theo các chuyên gia, mục tiêu của các thế lực thù địch, phản động là tạo nên sự hỗn loạn về văn hóa, văn nghệ, làm mất đi trụ cột nâng đỡ về tinh thần của dân tộc ta, làm rối ren hệ ý thức tư tưởng trong nội bộ Đảng, dẫn đến sự hỗn loạn về kinh tế, chính trị.
Trong bối cảnh đó, toàn xã hội phải nâng cao tinh thần cảnh giác, khẳng định vị trí, vai trò, sức mạnh của văn hóa, văn nghệ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, kiên trì vai trò chủ đạo về đời sống tinh thần của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đây là một công việc khó khăn, vô cùng phức tạp và cũng là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
(Còn nữa)
Theo Kinhtedothi Tweet