Bản lĩnh vững vàng trước thông tin xuyên tạc

08:40 14/10/2022     1148

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Lợi dụng xã hội thông tin mở và đa dạng hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá nước ta.

Chỉ cần mở điện thoại thông minh, lên mạng xã hội là mỗi người chúng ta đã có thể bị tấn công bởi rất nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt, xuyên tạc. Do đó, nếu cán bộ, đảng viên không đủ bản lĩnh, không tỉnh táo nhận diện thì rất dễ mắc mưu, dẫn đến những trạng thái tâm lý, những hành động tiêu cực.

Cạm bẫy từ những “bả thông tin”

Tôi quen một bác cán bộ đã nghỉ hưu, từng có nhiều năm công tác và có những đóng góp nhất định tại một bộ nọ. Thời gian gần đây, bác liên tục thể hiện trên facebook một trạng thái tâm lý và những phát ngôn tiêu cực về thực trạng đất nước. Theo cách nhìn của bác thì bất cứ lĩnh vực nào của Việt Nam cũng "rất tệ hại". Với những thành tựu trong phát triển kinh tế thì bác cho rằng số liệu không đúng. Với kết quả rõ ràng của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bác lại cho rằng đó chẳng qua là đấu đá trong nội bộ Đảng. Hay kể cả niềm vui sau những thành công vang dội của bóng đá Việt Nam, bác cũng lắc đầu bảo là do ăn may. Quan sát cách cán bộ nghỉ hưu này thu thập, tiếp nhận thông tin, tôi phần nào lý giải được tại sao bác lại có một thế giới quan nhiều màu xám. Ấy là do bác chủ yếu chỉ tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội facebook, youtube, những trang thông tin mù mờ trên mạng, hoặc những trang thông tin của các tổ chức, đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước. Bác nhầm lẫn cho rằng, những trang thông tin ấy "dám nói thẳng, nói thật" vào những vấn đề mà các cơ quan báo chí chính thống không dám đề cập. Đáng lo ngại là không chỉ các cán bộ đã nghỉ hưu mà ngay cả những cán bộ đang đương chức nếu không tỉnh táo, không có bản lĩnh vững vàng thì cũng rất dễ bị lừa phỉnh, bị ăn phải "bả thông tin".

 

Bản lĩnh vững vàng trước thông tin xuyên tạc

 

Cần bản lĩnh vững vàng trước thông tin xuyên tạc. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn 

 

Mấy ngày gần đây, liên quan đến sự việc cơ quan công an bắt bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, xuất hiện những tin đồn, những lời xì xầm to nhỏ, những thuyết âm mưu là vụ việc liên quan đến vị lãnh đạo này, quan chức kia, rồi những sự đổ vỡ... Các thông tin được thổi phồng, cắt ghép, khớp nối có vẻ hợp lý, nếu người nghe thiếu hiểu biết, không đủ bản lĩnh thì rất dễ mắc bẫy, sẽ tin vào những thông tin xuyên tạc đó. Khi hỏi những người lan truyền thông tin là họ nghe thông tin từ đâu, thì họ nói rằng nghe trên đài, trên báo. Hỏi kỹ hơn là: “Đài, báo nào?” thì họ kể ra một loạt cái tên, hóa ra lại là toàn các trang mạng điện tử chuyên đưa thông tin phản động, các trang thông tin mù mờ không rõ ràng về nguồn gốc. Mặc dù trên Đài Truyền hình Việt Nam đã có những lãnh đạo đầu ngành trả lời rất rõ ràng về các vấn đề liên quan đến vụ việc này, thế nhưng vẫn có người bán tín, bán nghi, vẫn xì xào về các thông tin mù mờ trên mạng mà mình xem, nghe được.

Những người tiếp nhận và tin theo các thông tin mù mờ trên mạng là hết sức ngây thơ. Bởi họ không biết, hoặc biết không đầy đủ rằng các tổ chức khủng bố, phản động như Việt Tân, Hội anh em dân chủ... thiết lập rất nhiều website, blog, facebook, youtube, mở nhiều diễn đàn, câu lạc bộ nhằm tán phát các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung xấu, độc. Một số cơ quan báo chí của phương Tây như RFA, BBC Việt ngữ, hay các trang thông tin do một số đối tượng có tiền án, tiền sự, chống đối Đảng, Nhà nước ta lập ra như thoibao.de... thường xuyên đăng tải, tung những thông tin sai sự thật, xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Phạm vi của các thông tin xuyên tạc là rất rộng, các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh... đều là "chiến địa" của chúng. Đối tượng công kích của chúng rất đa dạng từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành địa phương, cơ quan, đơn vị cho tới các tổ chức chính trị-xã hội, từ lãnh đạo cấp cao cho tới cả các nghệ sĩ, nhà báo, doanh nhân, người nổi tiếng đều có thể trở thành mục tiêu của họ... Đến cả việc Việt Nam vừa trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc một cách dân chủ, công khai, khách quan, chứng tỏ uy tín cao của Việt Nam trên trường quốc tế thì trên trang facebook của mình, tổ chức Việt Tân vẫn trơ trẽn xuyên tạc rằng kết quả trên chứng tỏ Việt Nam đã hoàn toàn lệ thuộc vào một nước khác (!?)...

Nhìn chung những thông tin xấu, độc đều có một mục đích là bôi đen hiện thực Việt Nam; thổi phồng những hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; xuyên tạc về cán bộ, về công tác nhân sự; phóng đại những tiêu cực trong xã hội; bóp méo các chủ trương, chính sách, luật pháp hòng gây rối tình hình đất nước; kích động, chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội... Từ đó tạo ra nhận thức sai lệch về hiện thực theo chiều hướng xấu, hình thành tâm lý chán ghét, phẫn nộ, thậm chí căm thù chế độ và bộ máy chính quyền các cấp.

Thông qua mạng xã hội, các phần tử xấu, cơ hội chính trị cũng điên cuồng chống phá, không từ một thủ đoạn nào, từ xuyên tạc sự thật lịch sử cho đến tìm mọi cách hạ thấp uy tín, bôi nhọ lãnh tụ Đảng ta, bài bác, hòng phủ nhận giá trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Các thế lực thù địch còn ra sức rêu rao: Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là điều kiện cần thiết để thực thi dân chủ ở Việt Nam, để chống tham nhũng có hiệu quả, để bảo đảm đất nước phát triển; rằng lựa chọn con đường cách mạng vô sản, đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm của dân tộc ta...

Thông thường thì những thông tin xấu, độc này lại được đăng tải dưới những chủ đề khá hấp dẫn và thu hút người đọc, bởi nó khơi gợi sự tò mò và tâm lý phản kháng, bất mãn trước những tiêu cực của một bộ phận cán bộ, quan chức. Những thông tin như vậy thường có tính kích động, tạo cảm xúc tiêu cực cho người đọc. Những kẻ thực hiện các thông tin xuyên tạc cũng rất tinh vi trong việc đưa thông tin. Thường thì chúng đưa khoảng 6-7 phần là sự thật, rồi cài 3-4 phần là xuyên tạc, suy diễn với các thuyết âm mưu vào để dẫn dắt người đọc, người xem. Nếu không thận trọng để nhận diện chính xác vấn đề, người đọc sẽ dần dần hình thành niềm tin vào các trang thông tin chống phá Nhà nước, chống phá chế độ.

Đừng tự biến mình thành “cục máu đông”

Trong buổi nói chuyện tại lễ bế mạc Lớp bổ túc trung cấp, được Báo Vệ quốc quân đăng lại trên số 15, ngày 10-10-1947, Bác Hồ ví một tập thể, một tổ chức như một cơ thể và mỗi khâu, mỗi cá nhân là một bộ phận hợp thành cơ thể ấy. Người nói: “Mệnh lệnh cũng như dòng máu chảy từ tim ra đến đầu, các tứ chi. Nếu chảy đến tay mà mắc nghẽn, thì tay bại. Tay bại người sẽ yếu đi”.

Có thể thấy, việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hiện nay cũng như “dòng máu chảy từ tim ra đến đầu, các tứ chi”, tắc ở bộ phận nào là “bại” ở bộ phận ấy, “bại” ở một bộ phận cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện chủ trương lớn. Do đó, việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, đủ tỉnh táo trước các thông tin xuyên tạc, bịa đặt chính là một yêu cầu để cán bộ, đảng viên không tự biến mình thành một “cục máu đông” trong đơn vị, tổ chức.

Trước những thông tin bịa đặt, có những cán bộ, đảng viên suy nghĩ một cách giản đơn rồi chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội hoặc tán phát trong cộng đồng. Vô hình trung những thông tin này có vỏ bọc vững chắc hơn vì nó được nói ra từ những cán bộ, đảng viên có trách nhiệm. Mảnh đất sống màu mỡ nhất của thông tin xấu, độc chính là dư luận. Nếu như không bình tĩnh, tỉnh táo tiếp nhận thông tin thì cán bộ, đảng viên sẽ mắc bẫy và tiếp tay, lan truyền những thông tin xấu, độc của các đối tượng chống phá.

Ngoài ra, còn có một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt lý tưởng, cơ hội, đầy tham vọng quyền lực cá nhân. Những người có thể sẽ phản bội lại quá khứ, phản bội lại lý tưởng, và nguyên nhân của sự phản bội đó đôi khi bắt nguồn từ sự bất mãn, không đồng ý một số vấn đề cụ thể trong chính sách, hay cách ứng xử của những cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác. Họ rất dễ trở thành "miếng mồi ngon" cho những thông tin xấu, độc và bản thân họ cũng có thể trở thành những tác nhân của thông tin xấu, độc, cả những khiếu nại, tố cáo với mục đích không trong sáng gây nhiễu loạn nội bộ.  

Để tránh những tác hại lan truyền của thông tin xấu, độc, mỗi cán bộ, đảng viên cần xây dựng cho mình hệ miễn dịch trước thông tin xấu, độc, cần nhận thức sâu sắc, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, với những giải pháp như sau:

Thứ nhất, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc học tập, kết hợp tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước..., hình thành thói quen chỉ tiếp nhận thông tin qua các kênh thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước. Từ đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và phông nhận thức, hiểu biết, tạo thành bản lĩnh vững vàng trước các thông tin xấu, độc.

Thứ ba, các tổ chức đảng trong sinh hoạt thường kỳ nên lồng ghép những buổi sinh hoạt tư tưởng, nhanh nhạy nắm bắt, phát hiện các thông tin xấu, độc, bịa đặt lan truyền trong xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng để kịp thời có sự định hướng bằng những thông tin đúng đắn, các luận điểm thuyết phục để phản bác, hạn chế sự lan tỏa, ảnh hưởng của các luồng thông tin xấu, độc trong đơn vị.

Thứ tư, các tổ chức trong hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước cần phát huy vai trò của báo chí, truyền thông; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí, truyền thông, xuất bản; tăng tính đấu tranh của báo chí với các thông tin xuyên tạc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng internet, mạng xã hội, trong đó chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ năm, các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, nghiêm cấm lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Để những thông tin xấu, độc không còn đất dung thân thì cán bộ, đảng viên phải giữ vững lập trường, quan điểm, giữ gìn đạo đức, lối sống trong sáng, bình tĩnh trong việc tiếp nhận thông tin, kiểm chứng thông tin, thận trọng trong lan truyền thông tin. Đồng thời, việc cung cấp thông tin chính thống kịp thời, đúng đắn, chính xác của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, cơ quan báo chí sẽ có tác động rất lớn giúp cho đảng viên và nhân dân có thêm kiến thức, sự hiểu biết và tư tưởng ổn định, giúp loại bỏ các khoảng trống cho thông tin xấu, độc.

 

Theo QĐND