Bài 3: Cần cơ chế giám sát người đứng đầu (tiếp theo và hết)

15:09 03/08/2022     713

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Theo Báo cáo số 162-BC/BNCTW ngày 16-6-2022 của Ban Nội chính Trung ương, năm 2021, cấp ủy các cấp đã có 142.172 cuộc tiếp dân định kỳ, 9.562 cuộc tiếp đột xuất; đã giải quyết 37.106 phản ánh, kiến nghị; đang giải quyết 4.076 kiến nghị; có 20.474 phản ánh, kiến nghị đã được chuyển tới các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền giải quyết.

Những con số trên có thể chưa phản ánh đầy đủ công tác tiếp dân, xử lý các tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhưng qua đó có thể thấy, việc thực hiện nghiêm Quy định 11 giúp người đứng đầu cấp ủy gần dân hơn.

Nhiều cách làm sáng tạo

Tại Quảng Bình, việc đăng ký dự phiên tiếp dân, đối thoại với dân của Bí thư Tỉnh ủy có thể thực hiện trực tuyến qua địa chỉ quangbinh.gov.vn và noichinh.quangbinh.gov.vn, hoặc đăng ký trước bằng đơn và đăng ký trực tiếp tại phiên tiếp dân. Cùng với đó, thời gian tổ chức phiên tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trùng thời gian với phiên tiếp công dân của UBND tỉnh nhằm tối ưu thời gian của các thành phần tham dự.

Hay ở Hà Tĩnh, quy định tạm thời tiếp dân “3 trong 1”, bao gồm: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì tiếp dân trong một buổi bước đầu đạt hiệu quả trong chỉ đạo, xử lý các kiến nghị của công dân. Vì tiếp dân “3 trong 1” nên lãnh đạo tỉnh cùng nắm được thông tin, có cái nhìn bao quát hơn, trong điều hành thống nhất hơn để tập trung chỉ đạo xử lý, đôn đốc giải quyết kịp thời. Hiệu quả tiếp công dân và giải quyết đơn, thư, vụ việc từ đó cũng được nâng lên.

Việc kết hợp "3 trong 1" cũng được nhiều tỉnh áp dụng, như tại Kon Tum, trong buổi tiếp công dân định kỳ gồm: Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

 

Đồng chí Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, nay là Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum (thứ hai, từ phải sang), làm việc tại làng Pyầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, năm 2017. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

 

Tỉnh ủy Quảng Bình cũng có nhiều cách làm hay để thực hiện hiệu quả Quy định 11. Đồng chí Nguyễn Lương Bình, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết: "Tổ công tác 1743 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình thành lập có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài theo ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy. Tổ tham mưu xử lý đơn, thư (Tổ 09) được thành lập gồm các thành viên là cán bộ, chuyên viên có kiến thức chuyên sâu nhiều lĩnh vực thuộc các cơ quan chức năng để tranh thủ trí tuệ tập thể trong nghiên cứu, tham mưu xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Qua việc phát huy được hiệu quả hoạt động của các tổ này, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Đây là cơ hội, môi trường để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trình độ, kỹ năng, chất lượng thực thi công vụ".

Và không ít khó khăn

Trong các kỳ sơ kết, nhìn chung, Quy định 11 với những hướng dẫn thực hiện chi tiết, khi triển khai được các địa phương nghiêm túc thực hiện với sự đồng thuận, quyết tâm cao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp. Nhờ đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực. Đối với tỉnh Bắc Kạn, chủ động dành thời gian trực tiếp tiếp công dân, lắng nghe, đối thoại với dân; chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của công dân là hoạt động thường xuyên của người đứng đầu cấp ủy các cấp từ nhiều năm nay. Bởi vậy, Quy định 11 tuy là nội dung mới, song thực chất việc này đã được Bắc Kạn thực hiện có nền nếp từ lâu.

Tuy nhiên, thực tế vẫn nảy sinh một số khó khăn phổ biến ở các địa phương: Số lượng đơn, thư gửi đến Bí thư Tỉnh ủy nhiều, tuy nhiên, phần rất lớn trong số đó là không đúng thẩm quyền, không đủ điều kiện xử lý. Hầu hết là những vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách; trong đó không ít vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, gây khó khăn trong quá trình giải quyết.

Ví dụ tại Bắc Giang, từ đầu năm đến ngày 24-5-2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái đã tiếp nhận tổng số 549 đơn, thư các loại; đã chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển 165 đơn đến cấp, người có thẩm quyền để giải quyết, trả lời công dân; hướng dẫn 77 công dân gửi đơn đến cấp có thẩm quyền để được giải quyết; có văn bản trả lời đối với 73 đơn, thư của công dân, số còn lại xếp lưu do đơn không đủ điều kiện xử lý.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật khiếu nại, tố cáo của một bộ phận công dân còn hạn chế, cố tình đòi hỏi vô lý, không đồng ý với kết quả giải quyết khách quan, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý của cấp có thẩm quyền; thậm chí không ít trường hợp lôi kéo, móc nối với các đối tượng xấu kích động người khác khiếu kiện, lợi dụng quyền tự do, dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo gây mất trật tự nơi làm việc, làm ảnh hưởng đến uy tín và khó khăn cho công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp như một số địa phương, có thể kể đến như Bến Tre, Hà Nam, Vĩnh Phúc...

Chúng tôi có mặt tại xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre để tìm hiểu các phản ánh, tố cáo tại đây và gặp ông Lê Hoàng Lâm, một người đang trong tâm trạng hết sức rối bời. Trước đó, ngày 20-2-2020, ông Lâm có viết bản tường trình câu chuyện ông nghe được về sai phạm của một cán bộ xã. Tuy nhiên, ông Lâm sau đó khẳng định nội dung bản tường trình hoàn toàn không có thật. Ông cho biết: "Đó là do ông Lê Văn Chiến xúi tôi viết. Bây giờ tôi hối hận lắm vì đã nghe xúi, làm điều sai".

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre và qua tìm hiểu thực tế tại địa phương, các phản ánh, tố cáo của ông Lê Văn Chiến đa số được nghe người khác kể lại. Từ đó ông cho rằng địa phương có tiêu cực nên thường xuyên phản ánh, tố cáo, thay người khác gửi đơn tới các cơ quan để yêu cầu giải quyết, ngày càng có thái độ quá khích, gay gắt. Hầu hết các nội dung mà ông Lê Văn Chiến phản ánh, tố cáo đều không cung cấp được thông tin, tài liệu có liên quan.

Ngoài những khó khăn khách quan, về chủ quan, thực tế năng lực của cán bộ ở các cấp quận, huyện, xã, phường tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến công tác xử lý, phản ánh, khiếu nại của người dân không kịp thời, thậm chí để xảy ra sai sót.

Để Quy định 11 đi vào thực chất

Làm tốt công tác tiếp dân cũng là để người đứng đầu cấp ủy không rơi vào căn bệnh “quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở” mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng. Tiếp dân phải là hoạt động thực chất, tránh hình thức, đặc biệt là tình trạng sắp xếp “đại biểu chuyên trách”, chỉ đến để nói lời khen trong các buổi tiếp công dân.

Nhiều địa phương đưa ra một số kinh nghiệm để tăng cường hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của nhân dân như: Tăng cường giám sát của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở với công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đối thoại trực tiếp với dân theo quy định; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu cho bí thư cấp ủy tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Như bài trước, chúng tôi đã chỉ ra tình trạng một số địa phương, người đứng đầu cấp ủy đã không thực hiện đúng quy định tiếp dân định kỳ hằng tháng. Quả thực, khối lượng công việc của người đứng đầu cấp ủy, nhất là cấp tỉnh rất lớn nên dễ ảnh hưởng đến việc sắp xếp thời gian tiếp dân. Tuy nhiên, từ kết quả của những địa phương làm tốt cho thấy, nếu xác định kế hoạch định kỳ một ngày trong tháng thì bí thư cấp ủy đều có thể chủ động sắp xếp được thời gian để tiếp dân. Bởi vậy, xây dựng quy chế tiếp công dân với quy định về thời gian khoa học, phù hợp thực tiễn cũng là giải pháp để thực hiện hiệu quả việc tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy.

Để công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy hiệu quả, những phản ánh, khiếu nại của người dân được sớm giải quyết, người dân cũng cần được nâng cao hiểu biết về các quy định liên quan để gửi đơn, thư đến đúng người, đúng địa chỉ. Không để các đối tượng xấu lợi dụng, gây mất ổn định trật tự, vi phạm pháp luật. Các địa phương cũng cần có các chế tài cụ thể hơn và xử lý quyết liệt hơn với những trường hợp cố tình gây rối, lợi dụng quyền tự do dân chủ, việc khiếu nại, tố cáo để vi phạm pháp luật. Ở Lạng Giang (Bắc Giang), với những đối tượng có biểu hiện lợi dụng quyền công dân, việc tiếp dân của bí thư cấp ủy để cố tình gây rối, lôi kéo, kích động người khác, các cơ quan đã chủ động mời báo chí vào cuộc làm rõ, thông tin để người dân nắm thông tin, không để bị lợi dụng kích động.

Mặt khác, để giảm thiểu những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đã có đề xuất nên chăng Quy định 11 cần bổ sung chế tài xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp nếu không tập trung giải quyết vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài.

Ngoài ra, cùng với phổ biến, quán triệt rộng rãi Quy định 11 tới đông đảo cán bộ và người dân, công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết để kịp thời khắc phục yếu kém, đưa ra những giải pháp phù hợp hơn. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác tiếp dân và bộ phận tham mưu xử lý, giải quyết các vụ việc để không ngừng nâng cao chất lượng tiếp công dân.

Đồng chí Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An từng nói: “Làm lãnh đạo phải chịu học, đọc, nghe, chịu đi cơ sở để hiểu lòng dân, để tổng kết thực tiễn, để thể hiện trách nhiệm của mình”. Bí thư Huyện ủy Lạng Giang (Bắc Giang) Tạ Huy Cần trong công tác tiếp dân ngoài việc kiên quyết không ủy quyền còn giữ thói quen đi làm bằng xe đạp. Ông cho rằng, đạp xe đi làm vừa là một cách để tập thể dục, vừa là quan sát nắm tình hình địa phương. Nhiều vụ việc hay vấn đề mới phát sinh, thậm chí cấp dưới chưa kịp báo cáo thì đồng chí đã chủ động chỉ đạo các cơ quan bám nắm giải quyết, không để sự việc diễn biến phức tạp.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quy định 11, những rào cản lớn để bí thư cấp ủy tiếp dân, trực tiếp lắng nghe dân dần dần được tháo gỡ. Dẫu vậy, đã là quy định thì mang tính bắt buộc, cần sự gương mẫu chấp hành của đội ngũ bí thư cấp ủy, không thể để tình trạng "nơi nóng, nơi lạnh" kéo dài. Để thực hiện tốt Quy định 11, theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, nay là Vụ cơ sở Đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương), trước hết là vấn đề nhận thức. Nhận thức chi phối tất cả hành động của mỗi người. Công tác tiếp công dân, không chỉ người đứng đầu cấp ủy mà cả người dân phải được nhận thức đầy đủ, đúng đắn; là một cơ chế cần được thực hiện nghiêm. Cần phải hình thành cơ chế để người dân tham gia giám sát người đứng đầu cấp ủy trong xây dựng Đảng nói chung và thực hiện Quy định 11 nói riêng. Đối với mỗi bí thư cấp ủy, nếu nhận thức rõ chấp hành Quy định 11 chính là chấp hành kỷ luật của Đảng, là chiếc "lồng cơ chế" bảo đảm cho bí thư cấp ủy phòng, chống bệnh xa dân thì công tác này sẽ đi vào thực chất. Ngược lại, nếu nhận thức chưa đúng, tìm cách đổ lỗi cho các lý do khách quan thì hiện tượng "nghị quyết trên trời, cuộc đời dưới đất" sẽ vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi.

>> Bài 1: "Liều thuốc" đặc hiệu của Đảng
>> Bài 2: Tiếp dân không thể ủy quyền

 

Theo QĐND