Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền

08:31 20/12/2023     1387

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản.

Ph.Ăngghen - Nhà lý luận lỗi lạc và chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 

Đây là một vấn đề lý luận mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê nin đã đề cập đến dưới nhiều góc độ phân tích khác nhau.

Trong bài “Chủ nghĩa xã hội pháp lý” Ăngghen(1) đã bàn về tính pháp quyền của chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết này tôi xem xét và phân tích những luận điểm của Ăngghen về Chủ nghĩa xã hội pháp quyền xem xét về sự khác biệt trong quan niệm pháp quyền của chủ nghĩa xã hội  và chủ nghĩa tư bản

THẾ GIỚI QUAN PHÁP LÝ  DÂN CHỦ TƯ SẢN ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO

Ăngghen bắt đầu nghiên cứu sự hình thành thế giới quan pháp lý dân chủ tư sản từ trong lòng xã hội phong kiến, sự nghiên cứu  về xã hội chính trị thời kỳ trung cổ. Theo Ăngghen: “Thế giới quan  thời trung cổ  chủ yếu là thế giới quan thần học. Thế giới châu Âu, thực tế bị mất đi sự thống nhất nội tại, đã được đạo Cơ Đốc đoàn kết lại để chống kẻ thù chung bên ngoài - những tín đồ hồi giáo. Thế giới Tây Âu là một nhóm các dân tộc mà sự phát triển bắt nguồn từ những điều kiện của các mối tương quan luôn luôn thay đổi khi được công giáo đoàn kết lại, sự thống nhất thần học đó không chỉ về phương diện tư tưởng. Nó tồn tại thực sự không chỉ ở sự hiện diện của Giáo hoàng, trung tâm điểm quân chủ của sự thống nhất đó mà trước hết là ở sự hiện diện của Giáo hội được tổ chức trên những cơ sở phong kiến và tôn ty thứ bậc. Chiếm hữu khoảng một phần ba toàn bộ ruộng đất ở mỗi nước, giáo hội có sức mạnh to lớn bên trong tổ chức phong kiến. Giáo hội, với sự chiếm hữu ruộng đất phong kiến của mình, là mối liên hệ thực tế giữa những nước khác nhau, bằng tổ chức phong kiến của mình, giáo hội đem lại tính chất thần thánh cho chế độ nhà nước thế tục, được tổ chức theo những nguyên tắc phong kiến”(2)

Xã hội hội phong kiến Tây âu trung cổ được đạo Cơ Đốc thống nhất về mặt tinh thần thần nhằm tập hợp sự  đoàn kết chống lại Đạo Hồi. Trong sự thống nhất về mặt tinh thần ấy người ta thấy sự ngự trị của tư duy thần học và giáo hội. Đặc trưng của tư duy thần học là sự tin tưởng tuyệt đối  vào một thế lực siêu tự nhiên mang tính thần thánh. Thế lực siêu tự nhiên thần thánh này quyết định tất cả. Sự sống hay cái chết của con người cũng được quyết định bởi Chúa. Với niềm tin như thế con người sinh ra tâm lý ỷ lại, chờ đợi vào sự ban phát từ Chúa. Họ không nỗ lực suy nghĩ tìm kiếm sự hiểu biết về những quy luật của tự nhiên và xã hội. Suốt trong một thời kỳ lịch sử dài của nhân loại sự kìm hãm về mặt tư duy như thế đã dẫn đến kết quả là không có phát minh sáng chế về mặt khoa học kỹ thuật không có thuốc chữa bệnh. Dịch bệnh đã hoành hành và lan rộng ở Tây Âu thời Trung Cổ cướp đi nhiều sinh mệnh. Tây Âu trung cổ trì trệ và thiếu sinh khí, con người bất lực trước tự nhiên hoài nghi sức mạnh lý tính của mình. Họ ỷ lại trông chờ vào Chúa. Chúa và sự cứu rỗi từ Chúa đã là niềm tin và sức mạnh không bao giờ trở thành hiện thực trong những niềm hy vọng mong manh của con người.

Tình hình đó đã nhanh chóng thay đổi khi xuất hiện một tầng lớp  thị dân mới trong lòng châu Âu. Tầng lớp thị dân thành thị bao gồm những người sản xuất hàng hóa và thương nhân khác biệt về cơ bản với phương thức sản xuất phong kiến chủ yếu dựa trên sự tự cung tự cấp. Thế giới quan thần học và trật tự xã hội phong kiến đã trở nên quá chật hẹp so với những điều kiện sản xuất và trao đổi  hàng hóa đã nảy sinh ở trong lòng nó. Các công trường thủ công hình thành và cùng với nó là sản xuất  hàng hóa để trao đổi. Trật tự mà giai cấp mới này tạo ra và đòi hỏi dẫn đến việc thay đổi trật tự  phong kiến thần quyền. Thêm vào đó sự phát triển của khoa học tự nhiên và những phát minh khoa học mới đã làm lung lay tận gốc rễ những giáo điều  thần học. Sự khác biệt đã xuất hiện, niềm tin vào những năng lực tiềm ẩn trong con người đã được thức tỉnh, khát vọng lý tính bùng cháy. Con người trở nên năng động hơn, tích cực hơn trong sự khai mở của một thế giới quan mới. Ngọn cờ tôn giáo đã không còn có thể  giữ vai trò  lãnh đạo  tuyệt đối  trên lãnh thổ Tây Âu. Kể từ khi các tác phẩm của các nhà tư tưởng Khai sáng Pháp xuất hiện, một thế giới quan pháp lý mới đã hình thành. Đây là thế giới quan pháp lý cổ điển của giai cấp tư sản.

“Ngọn cờ tôn giáo bay phấp phới lần cuối cùng ở nước Anh vào thế kỷ 17 và chưa đến năm mươi năm  sau một thế giới quan mới đã xuất hiện ở nước Pháp mà không có  mọi sự tô vẽ và thế giới quan pháp lý này phải trở thành thế giới quan cổ điển của giai cấp tư sản”(3).

Đặc trưng của thế giới quan này là những quan điểm thần học đã được thế tục hóa. Thần quyền đã nhường chỗ cho thế quyền và những quyền cơ bản của con người. Nhà nước đã thay thế giáo hội. Việc trao đổi hàng hóa  đặc biệt là chế độ ứng tiền trước và tín dụng đòi hỏi  phải có sự đảm bảo của nhà nước. Vì thế những quy tắc được xã hội công nhận, những quy tắc mà toàn thể xã hội đều thừa nhận bắt đầu xuất hiện với tính chất là một hệ thống pháp luật của nhà nước. Người ta quan niệm những tiêu chuẩn luật pháp đó xuất hiện dường như không xuất phát từ những yếu tố kinh tế  mà chỉ do những quy định mang tính chất hình thức của nhà nước.

“Đó là thế giới quan thần học đã được thế tục hóa. Giáo điều và thần quyền đã nhường chỗ cho quyền của con người, nhà nước thay thế giáo hội. Những quan hệ kinh tế và xã hội được giáo hội chuẩn y, trước kia được coi là sự sáng tạo của Giáo hội và giáo điều thi ngày nay lại được quan niệm là quan hệ dựa trên pháp quyền và do nhà nước tạo nên. Vì việc trao đổi hàng hóa trong phạm vi xã hội và dưới hình thức phát triển nhất của nó đã tạo nên những quan hệ khế ước phức tạp đặc biệt là nhờ các chế độ ứng tiền trước và tín dụng, cho nên đòi hỏi phải có những quy tắc được xã hội công nhận ăn những quy tắc mà chỉ có toàn thể xã hội mới xác định được. Tức là những tiêu chuẩn luật pháp do nhà nước quy định cho nên người ta quan niệm rằng tuồng như những tiêu chuẩn luật pháp đó xuất hiện không phải do những yếu tố kinh tế  mà do những quy định chính thức của nhà nước”(4).

Đối với nhà tư bản sự cạnh tranh trong sản xuất hàng hoá là quan hệ cơ bản nhất giữa người với người trong quá trình sản xuất. Trong quá trình sản xuất hàng hoá tự do này công bằng chỉ được thiết lập nếu người ta hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, vì vậy nên: “…sự bình đẳng trước pháp luật đã trở thành khẩu hiệu chiến đấu chủ yếu của giai cấp tư sản. Sự thật là cuộc đấu tranh của giai cấp mới đang đi lên này chống bọn phong kiến và chế độ quân chủ chuyên chế bảo vệ bọn phong kiến đó - như bất kỳ cuộc đấu tranh giai cấp nào - phải trở thành cuộc đấu tranh chính trị, cuộc đấu tranh giành chính quyền nhà nước và phải được tiến hành vì những yêu sách luật pháp - sự thật đó góp phần củng cố thế giới quan pháp lý”(5).

Như vậy thế giới quan pháp lý của giai cấp tư sản có nội dung chủ yếu là những yêu sách luật pháp. Cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp tư sản là cuộc đấu tranh giành chính quyền nhà nước với mục đích thiết lập nên một trật tự pháp luật bảo vệ cho tự do cạnh tranh và sản xuất hàng hoá. Những nội dung như vậy đã làm cho thế giới quan pháp lý tư sản khác xa thế giới quan chuyên quyền phong kiến ở tinh thần pháp quyền của nó.

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI PHÁP QUYỀN - THẾ GIỚI QUAN PHÁP LÝ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ NHÂN DÂN LAO ĐỘNG

Giai cấp tư sản không ra đời một cách đơn độc. Nền sản xuất vật chất mà nó đại diện luôn luôn cần đến một lực lượng lao động đông đảo. Vì thế đồng thời với sự ra đời và xuất hiện của mình: “Giai cấp tư sản (cũng) sinh ra đối thủ của mình là giai cấp vô sản và cùng với nó, cuộc đấu tranh giai cấp mới, cuộc đấu tranh đã bắt đầu từ trước khi giai cấp tư sản giành được quyền lực một cách triệt để. Giống hệt như vào thời kỳ trước đây, khi trong cuộc đấu tranh chống tầng lớp quý tộc, giai cấp tư sản theo truyền thống vẫn giữ rất lâu thế giới quan thần học - cũng như vậy thoạt đầu giai cấp vô sản cũng tiếp thu phương pháp tư duy pháp lý của địch thủ và tìm thấy trong đó vũ khí chống giai cấp tư sản”(6).

Như vậy sau khi ra đời như một phần đối lập - khác biệt không thể tách rời của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản đã tiếp thu phương pháp tư duy pháp lý dân chủ tư sản và tìm thấy trong đó sức mạnh để chống lại giai cấp tư sản: sức mạnh pháp quyền. Những tổ chức Đảng cộng sản đầu tiên đã dựa trên những “cơ sở luật pháp” đã được thiết lập trong thời đại dân chủ tư sản nhưng họ không bằng lòng với việc sao chép thuần tuý tư duy chính trị pháp lý dân chủ tư sản. Họ tiếp thu những giá trị tinh hoa của pháp lý dân chủ tư sản nhưng đồng thời cũng nhận thức được một cách đầy đủ những khuôn khổ pháp quyền chật hẹp của thế giới quan chính trị pháp lý dân chủ tư sản.

Đối với họ những đòi hỏi của pháp quyền tư sản là không đầy đủ. Ngay từ đầu họ đã mở rộng những khái niệm pháp quyền dân chủ tư sản. Khái niệm bình đẳng không chỉ được hiểu là bình đẳng về mặt pháp lý mà còn được hiểu là sự bình đẳng về mặt xã hội. Và sự bình đẳng xã hội này được xác lập từ những cơ sở kinh tế. Giai cấp vô sản thừa nhận luận điểm của Adam Schmit rằng lao động là nguồn gốc của mọi của cải nhưng họ từ chối việc chia sẻ một cách vô lý những của cải này cho địa chủ và nhà tư bản. Họ nhận biết được bản chất bất công trong một sự phân chia của cải như vậy.

“Những tổ chức đảng vô sản đầu tiên cũng như những đại biểu lý luận của họ, đã dựa hoàn toàn trên “cơ sở luật pháp” pháp lý, song họ xây dựng cho mình “cơ sở luật pháp” không như giai cấp tư sản đã làm. Một mặt yêu sách về bình đẳng được mở rộng với ý nghĩa là sự bình đẳng về pháp lý phải được bổ sung bằng sự bình đẳng về xã hội. Mặt khác từ luận thuyết của A-đam Xmit - là người đã khẳng định rằng lao động là nguồn gốc mọi của cải, nhưng lại cho rằng người công nhân phải chia sẻ sản phẩm lao động của mình cho địa chủ và nhà tư bản- người ta đã rút ra kết luận về sự bất công của việc phân chia như vậy và về sự cần thiết phải bãi bỏ hoàn toàn việc đó, hoặc ít nhất cũng phải sửa đổi nó một cách có lợi cho công nhân.”(7)

“Cơ sở luật pháp” mà giai cấp vô sản dựa vào ở đây trước hết phải dựa trên những nền tảng pháp lý mà họ tiếp thu từ tinh thần pháp luật tư sản nhưng họ không chỉ dừng ở sự tiếp thu đó họ xây dựng cho mình những cơ sở luật pháp rộng lớn hơn đáp ứng được những đòi hỏi về sự bình đẳng của họ. Khái niệm bình đẳng trong pháp quyền tư sản có lẽ rất khác với khái niệm bình đẳng vô sản. Bình đẳng trong pháp quyền tư sản được Rousseau định nghĩa là thiết lập một trật tự xã hội trong đó không có người giầu quá để có thể mua được người khác đồng thời cũng không có người nghèo quá đến mức phải tự bán mình(8). Cái trật tự đó đối với giai cấp vô sản là chưa đủ. Họ đòi hỏi một sự bình đẳng xã hội rộng lớn hơn. Bình đẳng xã hội ở đây trước hết phải là sự bình đẳng có nội dung pháp lý về quyền và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong xã hội. Người vô sản trước hết nhận biết rõ những quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình. Những quyền đó là quyền sống, quyền tự do và quyền được hạnh phúc. Để thực hiện được những quyền cơ bản đó họ thực hiện nghĩa vụ lao động của mình. Bình đẳng xã hội trong quan niệm vô sản trước hết là sự bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của con người. Sự bình đẳng đó còn đồng thời phải được xác lập từ những cơ sở kinh tế của đời sống xã hội - bình đẳng trong phân phối của cải có được từ lao động. Giai cấp tư sản từ trong những cơ sở pháp quyền nền tảng của mình đã thiết lập nên một cái trật tự phân phối của cải vật chất của xã hội trong đó những người không lao động như địa chủ và nhà tư bản hưởng lợi. Họ chiếm dụng phần lớn của cải vật chất của xã hội và xây dựng trật tự pháp quyền từ trong quá trình sản xuất để duy trì sự chiếm dụng đó. Giai cấp vô sản ngay từ đầu đã đấu tranh chống lại cái trật tự vô lý này họ đấu tranh chống lại những tai họa do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mang lại. Họ thể hiện khát vọng giải phóng giai cấp trong việc đòi hỏi sự bình đẳng xã hội bắt nguồn từ việc thay đổi những hoàn cảnh kinh tế trong đó sự bất bình đẳng nẩy sinh và xuất hiện.

Theo Ăngghen những nhà tư tưởng xuất sắc của chủ nghĩa xã hội sơ khai là Xanh-Xi-mông, Phu-ri-ê và Ô-oen đều nhận thức được sự bất bình đẳng đến từ những tai họa do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mang lại nhưng họ không hướng đến việc đấu tranh để thay đổi cải biến phương thức sản xuất đó mà chỉ dừng lại ở những cơ sở pháp lý đã được giai cấp tư sản xác lập rồi đi đến chỗ hoài nghi phủ nhận mọi nỗ lực đấu tranh của giai cấp công nhân.

“Song ngay những nhà tư tưởng xuất sắc nhất trong số những người theo chủ nghĩa xã hội sơ khai là Xanh-Xi-mông, Phu-ri-ê và Ô-oen, đều cảm thấy rằng nếu dừng lại ở vấn đề đó, trên “cơ sở luật pháp” hoàn toàn pháp lý thì không thể khắc phục được những tai họa do phương thức sản xuất tư bản -tư sản, và đặc biệt do nền đại công nghiệp hiện đại sinh ra, và điều này khiến cho họ hoàn toàn từ bỏ phạm vi chính trị - pháp lý và tuyên bố mọi cuộc đấu tranh chính trị đều vô ích.”(9)

Từ bỏ đấu tranh chính trị đồng nghĩa với từ bỏ khát vọng giải phóng giai cấp và từ bỏ yêu sách về sự bình đẳng đầy đủ đến từ việc phân bổ những lợi ích kinh tế và của cải vật chất. Những người công nhân nhận biết rất rõ rằng một sự bình đẳng đầy đủ thực chất chỉ có thể có được khi cải tạo một cách căn bản quan hệ sản xuất và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong đó lợi ích của giai cấp vô sản được chú trọng và bảo vệ. Thế giới quan pháp lý vô sản vì thế khác biệt về chất so với thế giới quan pháp lý tư sản. Thế giới quan pháp lý vô sản đòi hỏi việc xác lập một sự công bằng thực chất trong lĩnh vực kinh tế của đời sống xã hội chứ không chỉ dừng lại ở những “cơ sở pháp luật” mang tính pháp lý một cách hình thức. Chủ nghĩa xã hội pháp quyền vì thế cũng khác biệt với pháp quyền và dân chủ tư sản ở chỗ không dừng lại ở việc xây dựng những thể chế pháp lý thuần tuý mà còn sử dụng những thể chế pháp lý ấy để duy trì một sự công bằng và bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế của đời sống xã hội. Khi sự công bằng và bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế của đời sống xã hội vì một lý do nào đó bị xâm phạm thì giai cấp công nhân và nhân dân lao động hoàn toàn có quyền dùng những công cụ luật pháp của mình để can thiệp điều chỉnh. Trong nhiều trường hợp phải dùng đến những công cụ chuyên chính của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trật tự kinh tế của đời sống xã hội được quy định từ trong phương thức sản xuất vì thế chủ nghĩa xã hội pháp quyền với tính cách là một chế độ chính trị xã hội của nhân dân do nhân dân làm chủ phải xác lập được những quan hệ pháp quyền bảo vệ giai cấp công nhân và nhân dân lao động từ ngay trong quá trình sản xuất của cải vật chất của họ. Giai cấp công nhân chỉ có thể bảo vệ được những lợi ích sống còn của mình dựa trên những cơ sở luật pháp của pháp quyền vô sản, họ không được phép có những điều ảo tưởng quá xa xôi vào trật tự pháp lý dân chủ tư sản.

“Giai cấp công nhân, do việc biến đổi phương thức sản xuất phong kiến thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, bị tước đoạt mọi quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, và đối với giai cấp công nhân, dưới ảnh hưởng của cơ chế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, việc mất quyền sở hữu này trở thành tài sản chuyển cho các thế hệ tiếp sau thừa hưởng không hề thay đổi - giai cấp đó không thể tìm thấy sự thể hiện mọi mặt những điều kiện sống còn của họ trong ảo tưởng pháp lý của giai cấp tư sản. Giai cấp công nhân tự mình hoàn toàn có thể nhận thức những điều kiện sống còn của mình chỉ trong trường hợp mọi vật được xem xét như chúng có trong thực tế chứ không phải qua cặp kính mầu pháp lý”(10).

Chính phương thức sản xuất hay nói một cách đơn giản hơn là cách thức sản xuất ra của cải vật chất cho đời sống xã hội mới là cái quyết định tất cả. Chủ nghĩa xã hội pháp quyền là khái niệm gắn liền với phương thức sản xuất. Pháp quyền là để bảo vệ sản xuất và suy cho rộng ra là để bảo vệ trật tự kinh tế công bằng bình đẳng trong đời sống xã hội.

“…Mác đã giúp họ bằng cách chứng minh rằng tất cả mọi khái niệm pháp lý, chính trị, triết học, tôn giáo và những khái niệm tương tự của con người, xét đến cùng do những điều kiện kinh tế của đời sống con người, phương thức sản xuất và sự trao đổi sản phẩm của họ quyết định. Bằng cách đó, thế giới quan đáp ứng những điều kiện của đời sống và cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đã được đề ra; chỉ có sự thiếu những ảo tưởng trong đầu óc của công nhân mới có thể phù hợp với tình trạng họ không có tài sản. Và quan điểm vô sản đó hiện nay đang thực hiện cuộc diễu hành thắng lợi trên toàn thế giới”

Đúng như Mác đã tiên đoán cuộc diễu hành thắng lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vẫn đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, chỉ phương thức và cách thức thực hiện có thể được điều chỉnh khác đi cho phù hợp với những chuyển biến kinh tế xã hội đang diễn ra trong thế kỷ 21. Chủ nghĩa xã hội pháp quyền xác lập và cung cấp những công cụ pháp lý bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân trong cuộc diễu hành chiến thắng của họ.

TSKH. Đặng Huy Trinh

---------------------------------

(1) Bài viết do Ăngghen và Cau-xki cùng thực hiện. Chính xác là Ăngghen đã viết những nội dung chính sau đó Cau-xki tiếp tục chấp bút theo những ý tưởng và hướng dẫn của Ăngghen. Bài viết sau đó được xuất bản bằng tiếng Pháp trên tạp chí “Mouvement socialiste” số 132 năm 1904 dưới tên Ăngghen. Trong bài nghiên cứu này chúng tôi mặc định xem bài viết là của Ăngghen

(2) (3) (4) (5) (6) (7) (9) (10) Các Mác và Ăngghen: Chủ nghĩa xã hội pháp lý, Toàn tập tập 21, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà nội 1995, tr.690, 691, 691-692, 692, 692, 692-693, 693, 694

(8) Xem Rousseau: “Bàn về Khế ước xã hội” – Paris 1762, tr26

 

Theo Tạp chí Tuyên giáo