Tuổi trẻ toàn quân nhận thức sâu sắc giá trị lịch sử to lớn Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
16:38 30/08/2019 1309
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Sáng 30/8, tại Hà Nội, Ban Thanh niên quân đội, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình quân đội phối hợp tổ chức tọa đàm "Trung hiếu bên Người".
Các đồng chí: Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội; Đại tá Vũ Văn Đăng, Phó giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội đồng chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh; GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, cựu chiến binh...
Tọa đàm nhằm ôn lại và khẳng định ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn về lý luận, thực tiễn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong toàn quân và toàn quốc về kết quả giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đúng nguyện vọng thiết tha và sự tôn kính của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong 50 năm qua. Qua đó, củng cố và bồi đắp niềm tin, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đoàn viên thanh niên về con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; về thành quả của sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã đạt được. Góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tuổi trẻ toàn quân trong thực hiện Di chúc của Người, tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Tại buổi Tọa đàm, tham luận của các vị tướng lĩnh, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ đoàn trong toàn quân, các đồng chí trong và ngoài Quân đội tại Tọa đàm đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Đây là nguồn tư liệu quý bổ sung về mặt lý luận và thực tiễn để mỗi cán bộ, mỗi đoàn viên, thanh niên ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khẳng định mạnh mẽ niềm tin của tuổi trẻ Quân đội hôm nay vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta và các thế hệ thanh niên đi trước đã chọn; tiếp nối truyền thống yêu nước, thắp sáng lý tưởng cách mạng, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Đại tá Nguyễn Hữu Toàn, Chính ủy Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân), ôn lại những tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội (nay là Sư đoàn Phòng không 361) những năm tháng đất nước còn chiến tranh, cho biết: Ngay sau khi Bác Hồ mất, toàn Sư đoàn lập tức tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng "Học tập và làm theo Di chúc Hồ Chủ tịch".
"Cán bộ chiến sĩ toàn Sư đoàn tích cực chủ động chuẩn bị tốt về mọi mặt, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, lập nhiều chiến công. Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Sư đoàn đã trực tiếp bắn rơi 29 máy bay các loại, góp phần quan trọng cùng quân và dân Thủ đô làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Đại tá Nguyễn Hữu Toàn phát biểu.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, toàn Sư đoàn Phòng không 361 đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, qua đây đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như "Mỗi ngày học một lời Bác Hồ dạy", "Mỗi ngày làm một việc tốt"; thực hiện tốt "Bốn rõ" - "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả"...
Thượng tá Nguyễn Công Thịnh, Trưởng Ban Thanh niên Trường Sĩ quan lục quân 1, cho hay: Sinh thời, Bác Hồ đã ba lần về thăm, kiểm tra Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan lục quân 1). Đặc biệt, ba lần nhà trường vinh dự đón Bác đều nằm trong một khóa đào tạo, từ tháng 5 đến tháng 12-1946. "Những lời dạy của Bác khi đó trở thành tài sản vô giá của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường nói riêng, toàn quân nói chung", Thượng tá Nguyễn Công Thịnh khẳng định.
Thấm nhuần lời Bác dạy, qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng nên truyền thống vẻ vang “Trung hiếu, Tiên phong, Mẫu mực, Quyết thắng”, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tọa đàm là dịp để tuổi trẻ toàn quân bày tỏ tấm lòng kính yêu vô hạn, đời đời nhớ ơn Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân, Người cha thân yêu của lực lượng vũ trang. Qua đó, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua bản Di chúc thiêng liêng của Người.
Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhìn lại kết quả đạt được qua nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Bác và công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó tiếp tục bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trịnh Lý Tweet