Hoà Bình: Tọa đàm “Theo dòng lịch sử nhớ lời di chúc theo dấu chân Bác”

14:46 24/07/2019     1098

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Ngày 23/7, Huyện đoàn Lương Sơn, Đoàn xã Trung Sơn phối hợp tổ chức chương trình Tọa đàm "Theo dòng lịch sử nhớ lời di chúc theo dấu chân Bác" cho cán bộ, ĐVTN tham gia.

Tọa đàm "Theo dòng lịch sử nhớ lời di chúc theo dấu chân Bác" cho cán bộ, ĐVTN 

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng nhau xem lại thước phim tài liệu mang tên “Bản Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch”; “Bác Hồ với đoàn viên thanh niên”; chia sẻ những thông tin, giá trị cốt lõi trong Di chúc của Người.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Thấm nhuần đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Người căn dặn phải thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã vì Tổ quốc mà dũng cảm hi sinh và gia đình hậu phương của họ. Không chỉ quan tâm tới việc giúp đỡ cả vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm tới cách thức để cho thương binh “có thể dần dần tự lực cánh sinh” và cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ “có công ăn việc làm thích hợp”, để họ tự mình phấn đấu vươn lên, không thụ động và bất lực trước hoàn cảnh khó khăn.

Đối với nông dân - một lực lượng đông đảo, động lực lớn của cách mạng, là những người đã góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đề nghị miễn thuế một năm để đồng bào phấn khởi đẩy mạnh sản xuất.

Với những người còn trẻ, đã qua rèn luyện, thử thách, có nhiều cống hiến trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong, Người yêu cầu Đảng, Chính phủ cần chọn một số người ưu tú để “đào tạo họ thành những công nhân và cán bộ tốt, để họ là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội” ở nước ta.

Đối với đoàn viên và thanh niên nói chung, Người căn dặn cần phải chăm lo giáo dục “đạo đức cách mạng” cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên” và nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đối với phụ nữ, Người căn dặn Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để “bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ trở thành cán bộ quản lý, lãnh đạo”; đồng thời, Người yêu cầu bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên để thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho mình.

Các đại biểu đã trao đổi những phương pháp, cách làm mới, đặc biệt là các mô hình sáng tạo tại đơn vị trong thực hiện Di chúc của Bác cũng như việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tại buổi tọa đàm, ĐVTN được giao lưu với nhân chứng sống đã từng tham gia kháng chiến, nghe lại những kỷ niệm sâu sắc của các chiến sỹ bộ đội cụ hồ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Hoạt động nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7

 

Cùng ngày,  Tuổi trẻ tỉnh Hòa Bình tham gia cùng Ban Chỉ đạo chăm sóc người có công, xây dựng và điều hành Quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh Hòa Bình thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng.

Đoàn đã đến thăm và động viên các gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thành phố Hòa Bình: Mẹ Nguyễn Thị Chố (sinh năm 1926) tại xã Hòa Bình; Mẹ Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1972) tại phường Thịnh Lang. Đồng chí Ngô Văn Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn đã trao quà của Chủ tịch nước, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh và các đơn vị phục dưỡng cho Mẹ Việt Nam anh hùng./.

 

Thành Luân-TĐ Hòa Bình (NA)