Đoàn viên “số hóa” nghĩa trang liệt sĩ
08:14 26/08/2019 1073
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Được công nhận là công trình thanh niên làm theo lời Bác tiêu biểu toàn quốc năm 2019, "Phần mềm truy cập thông tin anh hùng liệt sĩ huyện Củ Chi” của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ thân nhân và bạn bè của nhiều gia đình liệt sĩ tìm được con em của mình chỉ bằng một cú nhấn.
Phần mềm truy cập thông tin anh hùng liệt sĩ huyện Củ Chi” giúp người sử dụng tìm kiếm dễ dàng các phần mộ liệt sĩ
Năm 2017, phần mềm truy cập thông tin về mộ liệt sĩ đã ra đời và được chuyển giao công nghệ cho Ban Quản trang - Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM.
Phầm mềm tích hợp đầy đủ tiểu sử, hình ảnh, tư liệu về các liệt sĩ, người tìm kiếm chỉ cần truy cập địa chỉ http://tphcm.anhhunglietsi.vn để tìm kiếm thông tin, vị trí phần mộ của các liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM, cũng như thông tin về các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm 2019, Hội Sinh viên thành phố tiếp tục hoàn thành việc số hóa thông tin các bia mộ anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), và "Phần mềm truy cập thông tin anh hùng liệt sĩ huyện Củ Chi” ra đời.
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi hiện có khoảng 8.000 mộ liệt sĩ, trong đó phần đa là liệt sĩ có quê tại Củ Chi. Việc tìm kiếm để đến đúng phần mộ đôi lúc gặp khó khăn do diện tích rộng lớn và quá nhiều phần mộ, đặc biệt đối với những không thuộc địa bàn huyện Củ Chi.
Từ khi phần mềm ra đời, người sử dụng chỉ cần gõ địa chỉ: https://huyencuchi.anhhunglietsi.vn/ , chỉ cần gõ vào những thông tin cơ bản như họ tên, người dùng sẽ tìm ra thông tin và vị trí cụ thể phần mộ của liệt sĩ, giúp việc tìm kiếm dễ dàng hơn.
Anh Nguyễn Việt Quế Sơn, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM chia sẻ, nhận thấy việc tìm kiếm vị trí cụ thể của từng ngôi mộ còn khá khó khăn, mất thời gian, các sinh viên tận dụng kiến thức học ở trường để sáng tạo và nghĩ đến việc lập ra phần mềm giúp công việc tìm kiếm bớt nhiêu khê.
Anh Sơn cho biết, phần mềm hoạt động theo hai hướng, một là tìm kiếm theo thông tin có sẵn (như họ tên, quê quán, năm sinh, năm mất). Hai là hiển thị thông tin theo vị trí cụ thể của một ngôi mộ.
Phần mềm này cũng có chức năng “cung cấp thêm tiểu sử” dành cho những người thụ hưởng, là thân nhân, đồng đội. Khi thấy tiểu sử các anh hùng liệt sĩ chưa đầy đủ, những người thụ hưởng có thể gửi cung cấp thêm hình ảnh, thông tin, các câu chuyện liên quan… Những dữ liệu này sẽ được kiểm chứng và đưa vào thông tin của liệt sĩ, giúp việc tìm kiếm sau này trở nên dễ dàng hơn.
"Có trường hợp một người đàn ông khi đi tìm mộ của đồng đội cũ, vì chưa nhớ rõ họ tên nên việc tìm kiếm bằng tên là không khả thi. Nhưng nhờ vào dữ kiện năm mất, quê quán nên đã xác định được một ngôi mộ có thông tin gần giống như người đàn ông đó cần tìm". Anh Sơn nhấn mạnh./.
Ngọc Anh Tweet