Coi “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” là nhiệm vụ học tập hàng ngày

22:50 26/08/2019     25388

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Chiều 26/8, tại Hà Nội, 90 đại biểu đã tham gia Diễn đàn Đảng viên trẻ tiên phong rèn luyện các phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí Công vô tư theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Bình Minh - UVBTV, Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn; đồng chí Trần Hữu - UVBTV, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương chủ trì Tọa đàm.

 

Tại Diễn đàn, nhiều đảng viên trẻ đã thẳng thắn phê bình những “thói hư, tật xấu” của một bộ phận đảng viên trẻ hiện nay và đưa ra những giải pháp khắc phục.

Trung thực, trách nhiệm, nói đi đôi với làm là đức tính rất cần thiết trong cuộc sống

 

Đại biểu Đỗ Thị Ngọc Thủy, Phó chánh Văn phòng Sở Lao động, Thương binh- Xã hội tỉnh Bình Thuận cho rằng: Hiện nay có một số ít bộ phận cán bộ, đảng viên, của chúng ta nổi lên những biểu hiện suy thoái, tiêu cực như: lối sống thực dụng, sai lệch mục tiêu lý tưởng, nói một đằng làm một nẻo, không trung thực.

 

“Khi mắc sai lầm thì không dám nhận, không có tinh thần sửa sai mà còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho khách quan. Trong cuộc họp kiểm điểm, phê bình thì né tránh, dĩ hòa vi quý nhưng ngoài lề lại bàn luận một cách sôi nổi, đem lỗi của người này người nọ ra để làm trò mua vui trong lúc lãng phí thì giờ làm việc. Vậy thử hỏi nếu không nêu cao tính trung thực, thật thà thì một ngày nào đó mình sẽ phải tin ai? Quần chúng nhân dân có còn tin vào Đảng, vào người lãnh đạo đất nước nữa hay không? Một khi niềm tin bị đánh cắp thì hậu quả sẽ nguy hiểm thế nào?”, chị Thuỷ đặt câu hỏi.

Chị Thuỷ cho rằng đây là sự trăn trở mà không ít cán bộ, đảng viên chân chính đã nêu lên chính kiến của mình tại một một số diễn đàn. Trung thực, trách nhiệm, nói đi đôi với làm là đức tính rất cần thiết trong cuộc sống.

“Trong thời đại hiện nay, nhất là khi chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu thì đức tính trung thực lại càng cần thiết hơn bao giờ hết vì sống trung thực, trách nhiệm, nói đi đôi với làm giúp chúng ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu, kính trọng”, chị Thuỷ nói.

Thẳng thắn phê bình những thói hư tật xấu của bộ phận đảng viên trẻ hiện nay

Tại diễn đàn, anh Dương Phước Vinh - Cán bộ Đoàn cơ sở công ty TNHH Changshin Việt Nam, tỉnh Đồng Nai cho rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vai trò của tiết kiệm trong tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong chuỗi phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Bởi vì theo Người, “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.

Anh Vinh cho rằng, ngoài tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền của thì trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện một số nội dung khác, như tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài, tiết kiệm lời nói…, cụ thể là: Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”, “nói thì phải làm”, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”… Đảng viên trẻ nên thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm thiểu chi phí; có ý thức tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế chất thải ra làm ô nhiễm môi trường. Tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, có hành động tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

“Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như chơi điện tử quá đà, nói chuyện phiếm trêm zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp v, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống…”, anh Vinh nói.

Theo anh Vinh hiện nay, một bộ phận thanh niên chưa quan tâm đúng mức việc chăm lo bảo vệ sức khỏe, đang lãng phí trí tuệ, chưa cống hiến xứng đáng cho xã hội. “Tránh quán xá, rượu bia la đà, thức thâu đêm cho những việc không cần thiết, lười lao động, lười thể dục thể thao. Có nhiều Đảng viên trẻ mua sắm vật dụng, phương tiện cá nhân đắt tiền vượt quá khả năng tài chính của bản thân; phung phí, đầu tư tiền bạc, công sức không cần thiết vào một số việc làm vô bổ, thiếu thiết thực, trong khi đang cần đầu tư cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn, lập nghiệp”, anh Vinh đánh giá.

Đồng thời anh Vinh cho rằng, trong trình bày, diễn đạt cần tiết kiệm lời, nói và viết ngắn gọn nhưng thông tin nhiều, nói đi đôi với làm, tốt nhất là nói ít làm nhiều như lời Người dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết".

Coi “Cần, kiệm, liêm, chính” là nhiệm vụ học tập hàng ngày

“Muốn học tập ở Bác “Cần, kiệm, liêm, chính” thì những người đảng viên trẻ cần phải coi đó là công việc hằng ngày. Phải làm sao cho 4 đức này thường xuyên được rèn luyện, thường xuyên được thể hiện, bởi có như vậy thì công việc mới được hiệu quả, và mới có tác dụng nêu gương cho quần chúng. Hay nói một cách giản dị hơn, mỗi ngày chúng ta làm thêm một việc tốt, mỗi ngày chúng ta khắc phục được một nhược điểm, nhỏ thôi, nhưng dần dần sẽ trở thành một thói quen, một nhu cầu văn hoá”, đó là ý kiến của đảng viên trẻ Hà Kiều Trang đến từ Học viện cảnh sát nhân dân.

 

"Cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư" theo Trang, đó là phải chăm chỉ, chủ động, sáng tạo trong công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm; phải tiêu dùng hợp lý, không tham lam, lãng phí; minh bạch thông tin, trong sạch, chính trực, ngay thẳng, trung với nước, hiếu với dân

 

“Tất nhiên, từ bỏ thói xấu của bản thân, chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính” sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng thay vì vội vã bỏ cuộc, mỗi đảng viên trẻ chúng ta hãy cùng ôn lại, nhớ lại những câu chuyện về Bác, về cách ứng xử, cách sống của Bác, để ta có thêm động lực tinh thần rèn luyện đức và tài”, Trang nói.

 

Trịnh Lý