Nữ triệu phú trẻ Nguyễn Thị Thuận

15:36 08/04/2014     2334

3 Chương trình   Web.ĐTN: Chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đối với hộ gia đình là một việc làm khó bởi ngoài vốn đầu tư cần có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Với địa hình thích hợp; bằng bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu khó mô hình nuôi bò của Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1986), tổ dân phố 2B, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là một điển hình.
Nước mắt

Tốt nghiệp THPT cô gái trẻ bước lên xe hoa về nhà chồng, tạm gác lại ước mơ bay cao, bay xa như bao bạn bè cùng trang lứa. Bao khó khăn vất vả đè nặng lên đôi vai gầy guộc bé nhỏ. Làm thế nào để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống khi đã chọn cho mình hướng đi riêng. Bao nhiêu vốn liếng sau ngày cưới hai vợ chồng dồn lại mua máy Cày làm dịch vụ giúp bà con trong ngày mùa.

Nguyễn Thị Thuận chăm sóc đàn bò
Nguyễn Thị Thuận chăm sóc đàn bò

Vất vả là vậy nhưng “của” để ra cũng chẳng được bao bởi mùa màng chỉ có vụ. Sau vụ mùa, máy Cày lại nằm không, cuộc sống chỉ trông vào hơn 1ha chè mỗi năm cho thu nhập chính 4 vụ. Năm 2008, nhận thấy điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc chăn nuôi đại gia súc, Thuận đã bàn với chồng chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa.

Ý tưởng được ủng hộ, bao nhiêu vốn liếng hai vợ chồng tích cóp được cùng sự hỗ trợ của bố mẹ và bạn bè là nền tảng để chị khởi nghiệp.

Không có thành công nào là tự nhiên, không phải tất cả mọi việc đều thuận theo ý mình. Bốn con bò giống được mua về chưa được bao lâu thì dịch bệnh “long móng lở mồm” ập đến. Nước mắt đổ xuống khi nhìn hai chú bò đang trong thời kỳ phát triển được cán bộ thú y mang thiêu hủy đúng theo quy định của nhà nước.

Nhớ về ngày đó Thuận tâm sự: “Mình suy sụp hoàn toàn, biết bao giờ mới trả nợ được cho bạn bè và người thân. Cảm tưởng lúc đó mình không thể gắng gượng để tiếp tục cuộc sống”.

Sau vấp ngã là kinh nghiệm bởi bệnh dịch không trừ một ai. Hơn nữa, lúc đó chỉ nghĩ bò là loài ăn cỏ, uống nước, sinh sản nhan, ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc. Mặc dù đã có thông báo của chính quyền địa phương và hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể nhưng công tác phòng bệnh của gia đình vẫn chủ quan.

“Thua đâu thì gỡ đó, không phải đánh bạc nhưng cũng gần như vậy anh ạ! Sau thời gian chấn tĩnh lại em đã nghiên cứu tài liệu, thăm quan một số mô hình và được tổ chức Đoàn, Hội phụ nữ cho vay vốn mua thêm 5 con bò giống năm 2010” - Thuận cho biết.

Nở hoa

Tiếp tục học hỏi từ bạn bè, sách vở, hăng hái tham gia các lớp tập huấn đến nay đàn bò của gia đình chị đã ổn định với tổng số 25 con. Bắt đầu từ năm 2012, đàn bò của gia đình chị đã mang lại giá trị kinh tế với việc mỗi năm bán ra thị trường 10 con, giá bình quân 15 triệu đồng/con.

Trong câu chuyện nói với chúng tôi về công tác phòng chống bệnh cho bò chị Thuận cho biết: “Bò là loài chịu rét nhưng công tác phòng rét luôn được đặt lên hàng đầu với hệ thống chuồng trại kín gió, tránh rét về mùa đông. Bên cạnh đó thường xuyên khử độc chuồng, rắc vôi, tiêm phòng bệnh đúng định kỳ”.

Đàn bò của gia đình Thuận
Đàn bò của gia đình Nguyễn Thị Thuận

Có vốn, năm 2013 chị tiếp tục đầu tư nuôi 15 con dê sinh sản. Tính đến hết tháng 3 năm 2014, lứa dê đầu tiên của chị đã xuất chuồng mang lại lợi nhuận trên 10 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Thủy (người dân địa phương) cho biết: “Gia đình anh chị Thuận gặp không ít khó khăn trong quá trình chăn nuôi nhưng đến nay mô hình nuôi bò, dê của chị đang là hướng đi đúng để ĐVTN và bà con tổ dân phố chúng tôi học hỏi”.

Với mô hình phát triển kinh tế của mình mỗi năm gia đình chị sau khi trừ chi phí có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Nói về dự định trong tương lại Thuận cho biết: “Bên cạnh việc duy trì đàn bò, dê và chè; thời gian này hai vợ chồng đang thăm quan học tập mô hình nuôi hươu. Dự kiến bước sang năm 2015, mô hình được triển khai thực hiện tăng thu nhập cho gia đình”.

25 con bò, 15 con dê của gia đình Nguyễn Thị Thuận là khối tài sản không nhỏ mà nhiều người dân trên địa bàn mơ ước có được. Một người phụ nữ với kiến thức phổ thông nhưng bằng sự cần cù, chăm chỉ, dám nghĩ, dám làm, đoàn viên Nguyễn Thị Thuận là điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Mô hình chăn nuôi bò của gia đình chị là địa chỉ để nhiều ĐVTN tới thăm quan, học hỏi, đồng thời góp phần tô thắm cho bức tranh nông thôn vùng cao.