Xứng đáng thanh niên thời đại Hồ Chí Minh

15:40 13/06/2011     2128

Công tác giáo dục   Bài hát ra đời cách đây hơn 30 năm nhưng không khí, sắc thái của bài vẫn rất phù hợp với hơi thở của nhịp sống tuổi trẻ ngày hôm nay</div>
Bài hát ra đời cách đây hơn 30 năm nhưng không khí, sắc thái của bài vẫn rất phù hợp với hơi thở của nhịp sống tuổi trẻ ngày hôm nay


Đ/c Võ Văn Thưởng, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn cùng thanh niên tình nguyện
chuyển gỗ dựng nhà cho anh Thạch Hoan ở xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Nguồn Internet

Từ mấy chục năm nay, các bạn trẻ, nhất là các bạn đoàn viên thanh niên, đều hát bài hát “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Văn Dung. Nếu “Thanh niên làm theo lời Bác” của nhạc sĩ Hoàng Hòa là "Đoàn ca" thì bài hát của Văn Dung cũng được coi là bài hát truyền thống chính thức của Đoàn.

Năm 1970, nhân sự kiện Đoàn được phép đổi tên từ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày ra đời (26/3/1931 - 26/3/1971), Trung ương Đoàn có vận động rộng rãi một cuộc sáng tác bài hát dành cho tuổi trẻ, khuyến khích các nhạc sĩ viết thể loại ca khúc dành cho hát tập thể. Nhạc sĩ Văn Dung đã hưởng ứng bằng việc cho ra đời “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”. Bài của ông sau đó đoạt giải B (giải A thuộc về 2 ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục và “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” của Thanh Phúc).

Nhớ lại bối cảnh lịch sử khi đó - năm 1970. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta đang thu được nhiều thắng lợi ở cả hai mặt trận quân sự và ngoại giao. Nhưng đế quốc Mỹ vẫn chưa chịu nhượng bộ tại bàn đàm phán ở hội nghị Paris. Vậy nên chiến trường miền Nam diễn ra rất khốc liệt, trong khi ở miền Bắc, Mỹ tạm thời ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nhiệm vụ của ta khi ấy là phải dốc toàn lực cho tiền tuyến lớn và tiếp tục ổn định, củng cố hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình này, việc đổi tên Đoàn Thanh niên thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là việc làm rất có ý nghĩa, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của Đoàn.

Nhạc sĩ Văn Dung đã tư duy theo hướng muốn tạo nên một bài hát đề cập thẳng vào nội dung trên, nói trực tiếp đến vai trò, sứ mạng của tuổi trẻ Việt Nam trong giai đoạn lịch sử mới, gắn với cái tên rất đỗi thiêng liêng Bác Hồ kính yêu: “Vững bước đi lên quê hương đang vẫy gọi. Xứng đáng thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Dù ngàn gian khó, thề nguyện hy sinh, chiến đấu suốt đời dưới cờ Đảng quang vinh...”.

Nhân đây cũng xin nói một điều: Không ít nơi hát bài này không hiểu vì sao đã hát nhầm từ “thời đại” thành “thế hệ” trong câu “xứng đáng thanh niên thời đại Hồ Chí Minh”. Hai từ khác hẳn nhau. “Thời đại” rộng, lớn hơn “thế hệ”. “Thời đại” có thể kéo dài cả thế kỷ, thậm chí dài hơn. Còn “thế hệ” chỉ bó hẹp trong một số năm tháng, độ tuổi nhất định. Nói “thời đại Hồ Chí Minh” là có ý muốn nói từ năm 1930 - khi Bác Hồ khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam - đến mãi sau này, vẫn còn tiếp diễn. Thời đại này có thể nói là vẻ vang, oanh liệt nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Còn “thế hệ Hồ Chí Minh” thì ý nghĩa sẽ hạn hẹp vì như vậy là nói đến những nhà cách mạng tiền bối sống cùng thời với Bác: đến nay đều đã qua đời. Nhạc sĩ Văn Dung tỏ ra không hài lòng khi nghe đâu đó hát sai lời ca của mình.

“Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” được viết ở thể 2 đoạn với bố cục vuông vức, chặt chẽ. Một bài hành khúc nhưng không chỉ đơn thuần là việc mô phỏng, biểu hiện những bước đi một cách khô khan mà đậm đà yếu tố trữ tình với chiều sâu cảm xúc. Những quãng giai điệu ít đột biến tạo sự dễ tiếp thu, dễ hát cho số đông bạn trẻ. Cả đoạn A (từ đầu đến trước khi vào phần điệp khúc “Đi lên thanh niên! Lời Bác dạy ta...”) chỉ là những quãng hẹp, nghe bình ổn, diễn tả phong thái ung dung, đĩnh đạc, đàng hoàng, một vẻ khiêm tốn, giản dị, sôi nổi nhưng không ồn ào, khoa trương của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh - không thể khác.

Sang đoạn B, tác giả cũng chỉ đẩy giai điệu lên bậc 5 (át âm) chứ không vút lên quãng 8 như thông thường và giai điệu vẫn bình ổn giống như đoạn A. Cách viết như vậy, lại không hề xuất hiện nốt rê (hạ át) trong điệu thức la trưởng mà bài hát nghe vẫn phong phú về màu âm, điều này chứng tỏ Văn Dung rất có nghề trong việc viết hành khúc, ca khúc quần chúng (chanson populaire).

Trước đó, ông còn có một hành khúc rất nổi tiếng viết chung với Triều Dũng mang tên “Giải phóng quân ta ra đi” (Xuyên màn đêm ta đi vượt núi băng rừng. Qua núi cao, suối sâu bàn chân ta dồn bước...).

Đến nay mỗi khi nghe và hát “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” ta thấy vẫn tươi mới. Không khí, sắc thái của bài vẫn rất phù hợp với hơi thở của nhịp sống tuổi trẻ ngày hôm nay - một lớp người luôn đầy ắp lý tưởng, hoài bão lớn lao./.