Văn hoá là động lực phát triển, là tường thành vững chắc bảo vệ biên cương

11:13 26/04/2022     1285

Công tác giáo dục   ĐTN: Ngày 25/4/2022, tại Làng văn hóa dân tộc Mông xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên”.

 


Dự và chủ trì buổi tọa đàm có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn; đồng chí Trần Đức Quý, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang. 

Phát biểu tại toạ đàm, đồng chí Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam cho biết: Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên” là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về Văn hóa; phát huy vai trò xung kích sáng tạo của tuổi trẻ trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy văn hóa vùng biên.

 


Qua đó tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của các dân tộc anh em
 


Tại toạ đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào 04 nội dung chính gồm: Về công tác bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc; các Chính sách hiện nay của Đảng và nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa vùng biên; các nội dung về văn hóa với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và an ninh vùng biên và vai trò của Thanh niên trong bảo tồn, xây dựng, phát huy giá trị văn hóa bản địa.

Bảo tồn văn hóa, phát triển bền vững

Trao đổi về quan hệ tộc người xuyên biên giới và vấn đề bảo tồn văn hóa trong phát triển bền vững, PGS. TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng: Di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam là rất khổng lồ và vĩ đại. Trong nhiều năm qua chúng ta đã tiến hành nhận diện di sản này và đã có những thành công nhất định.

Theo PGS. TS  những thành tựu này mới chỉ là bước đầu. Văn hoá và các giá trị truyền thống của các dân tộc cần được coi trọng là động lực phát triển kinh tế – xã hội ở các dân tộc, các vùng. Việc xây dựng bất cứ chương trình, dự án phát triển nào cũng cần phải quán triệt quan điểm thực sự kế thừa và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc, của mỗi dân tộc; phải có cái nhìn xuất phát từ nền văn hoá của mỗi dân tộc, mỗi vùng; lý giải xem sao họ lại ứng xử như vậy? Trong cách ứng xử văn hoá như vậy điều gì là tích cực, tôt, điều gì còn chưa tốt? Phải có quan điểm nghiên cứu và kế thừa một cách thực sự những ứng xử văn hoá, những kiến thức, tri thức địa phương, hệ thống quản lý cộng đồng truyền thống của mỗi dân tộc trong phát triển.

 

 

Vấn đề quan trọng chủ yếu là chủ thể phải tự nhận thức, tự thấy nhu cầu phải đổi mới, thay đổi và phát triển. Nhà nước, các tổ chức xã hội, phi chính phủ không được gò ép, làm thay, áp đặt. Xây dựng tự ý thức của mỗi người dân đối với sự phát triển là yêu cầu sống còn đối với phát triển của mỗi dân tộc.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, khuyến khích lòng tự hào về nền văn hoá của dân tộc mình, bắt đầu từ những thành tố văn hoá nhỏ nhất cho đến hệ thống kiến thức địa phương, hệ thống quản lý cộng đồng truyền thống, hệ thống và các quan hệ kinh tế ở miền núi. Xây dựng quan điểm về việc tăng cường huy động nội lực xã hội và tinh thần của các dân tộc tự lực, tự sáng tạo

Để bảo tồn, giữ gìn và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Hà Giang, anh Thò Mí Pó, Trưởng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, Mèo Vạc đề xuất: Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình; giữ gìn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời kiên quyết bài trừ, loại bỏ các hủ tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc. Thực hiện chính sách về khen thưởng, ưu đãi đối với các gia đình, dòng họ tiêu biểu định kỳ hàng năm trong việc cưới, việc tang

 


Bên cạnh đó, phát huy vai trò hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong thôn trong việc phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình. Tăng cường đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường để các cháu học sinh hiểu được văn hóa truyền thống của dân tộc mình

Tận dụng truyền thông số

Còn theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì việc sử dựng truyền thông đa phương tiện trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng biên trong thời đại ngày nay là xu thế và là điều cần thiết. Việc người dân tự thích nghi, tham gia vào xu hướng toàn cầu hóa, thị trường, từ đó tạo nên sức đề kháng hay thích nghi với thay đổi kinh tế, văn hóa bên ngoài. Đã từ lâu, họ không có thủ lĩnh, các cộng đồng/nhóm ở từng địa phương tự quyết định cách thức tổ chức đời sống kinh tế, sản xuất, thực hành văn hóa.

 


Đặc biệt, trong một xã hội hiện đại với sự bùng nổ thông tin, công nghệ thì mỗi công dân không bị bỏ lại phía sau, cũng nhờ công nghệ và phương thức truyền thông đa phương tiện cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng, xóa bỏ khoảng cách về trình độ, về văn hóa, thậm chí về ngôn ngữ. Bởi cách truyền thông qua kênh hình là chủ yếu, nên công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ rất nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng. Việc sử dụng các công cụ truyền thông đa phương tiện được xem là giải pháp phù hợp, hứa hẹn đem lại hiệu quả giáo dục, tuyên truyền cho lớp thanh thiếu niên hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng đề xuất, cần có các tổ chức cơ quan quản lí về truyền thông, thông tin, văn hóa xây dựng các kênh youtube, tiktok, facebook của cộng đồng/nhóm Mông; xác lập hệ thống thông tin, lựa chọn thông tin và khai thác như một công cụ để xử lí, phổ biến thông tin tuyên truyền văn hóa, giá trị truyền thống. Chẳng hạn có thể chọn dân ca Mông là điểm tựa đi đến đời sống tâm hồn người Mông: tổ chức các cuộc thi biểu diễn dân ca Mông trên tiktok, youtube; thi thổi khèn Mông

Bên cạnh đó, khuyến khích các cá nhân nổi trội trong cộng đồng người Mông và các dân tộc anh em sử dụng các kênh tiktok, facebook, youtube cá nhân đăng tải các chủ đề liên quan đến địa danh, sản vật, nhân vật, truyền thống của người Mông và Hà Giang, tạo nên sức ảnh hưởng trong cộng đồng…

Tham luận với nội dung “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc”, đồng chí Đinh Xuân Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Uỷ ban Dân tộc cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thì cần tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với di tích lịch sử văn hóa ở từng vùng, từng địa phương; tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS.

 


“Đồng thời, cần chú trọng đến các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc; tạo điều kiện để Nhân dân tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó vụ trưởng Đinh Xuân Thắng nhấn mạnh.

Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Vương Ngọc Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng chí Vương Ngọc Hà thể hiện quyết tâm, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc sẽ nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước xóa bỏ thủ tục lạc hậu, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực cho sự phát triển của huyện Mèo Vạc.

 

 

Phát biểu Kết luận, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định tọa đàm có ý nghĩa rất quan trọng, tính chiến lược lâu dài trong phát triển các giá trị văn hóa. “Văn hóa không chỉ là cội nguồn, là nguồn lực, động lực cho sự phát triển mà văn hóa còn là bức tường thành vững chắc, kiên cố nhất, có ý nghĩa nhất bảo vệ biên cương Tổ quốc”, đồng chí Tuấn nhấn mạnh.

“Tôi nghĩ nếu không có văn hóa đủ mạnh thì không chỉ không bảo vệ được cương thổ đất nước mà còn bị xâm lăng, đồng hóa văn hóa thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trường tồn của dân tộc”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nói.

Cũng theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, trong thời gian vừa qua, Trung ương Đoàn đã tập trung triển khai 3 trọng tâm lớn trong phát triển văn hóa là: Văn hóa trên không gian số, văn hóa biên cương và khởi nghiệp văn hóa.

Trong đó, sau chương trình hôm nay tại Mèo Vạc, Hà Giang, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành đoàn tổ chức tọa đàm, trao đổi và nhận thức rõ hơn, đặc biệt sau tọa đàm thì xác định được công việc tham gia phát huy giá trị văn hóa vùng biên trong việc bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, khởi nghiệp văn hóa là công việc quan trọng của thanh niên trong việc bảo tồn, chấn hưng, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

 


Văn hóa vùng biên gắn với con người vùng biên. Lực lượng biên phòng chỉ là nòng cốt, người dân mới là sức mạnh to lớn để bảo vệ vững chắc biên cương của quốc gia. Chính người dân ở vùng biên giới với truyền thống văn hóa được kết tinh thành ý chí dân tộc sẽ là những cột mốc sống quan trọng quyết định thành bại chiến lược bảo vệ biên giới bảo vệ quốc gia.

Chỉ ra những việc cần làm trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Trung ương Đoàn sẽ nhanh chóng triển khai các công việc liên quan đến việc phát triển văn hóa, trong đó có xác định một số quan điểm lớn. Thứ nhất, bắt đầu từ thiếu niên nhi đồng. Chính sự xâm nhập ở trường tiểu học hôm nay cho chúng ta có thêm niềm tin đối với mô hình "Đưa văn hóa truyền thống vào trường học". “Đề nghị Ban Thanh niên Trường học, Ban Công tác thiếu nhi của Trung ương Đoàn nghiên cứu hình mẫu này để thiết kế lại giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo, tiết học ngoại khóa... ​

Thứ hai, cần phải chuyển đổi số để bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, cần số hóa tài nguyên văn hóa, rồi kết nối, truyền thông mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo... Muốn làm những việc này cần nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi.

Bên cạnh đó, cần chỉnh sửa và loại bỏ những cái chưa hay, chưa tốt; xóa bỏ những thủ tục lạc hậu, phát huy sức mạnh của người dân, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Vai trò của thanh niên trong những vấn đề này rất quan trọng./.

 

Bảo Anh