Lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An - Vinh dự và niềm tự hào

09:43 15/07/2021     946

Công tác giáo dục   ĐTN: Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An vinh dự, tự hào đã được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, cách đây tròn 71 năm - Ngày 15 tháng 7 năm 1950, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đích thân chỉ đạo thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Được sự quan tâm, dìu dắt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Từ 225 cán bộ, đội viên buổi đầu thành lập đó đã trở thành đội quân hùng hậu với hơn 65 vạn cán bộ, chiến sĩ vào cuối thời kỳ chống Mỹ.

Trong suốt những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, cùng với hơn 65 vạn cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong cả nước, hơn 4,8 vạn cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An, trong đó: 11.800 thanh niên xung phong chống Pháp; 6.900 thanh niên xung phong tham gia khôi phục đất nước sau chiến tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955 – 1964) và 29.300 thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đã tình nguyện lên đường phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước với lòng quả cảm, quyết tâm và phát huy cao độ truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, của quê hương Xô Viết Anh hùng, một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì độc lập – tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Càng trong khó khăn gian khổ, càng thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thương đồng chí, đồng đội, yêu nhân dân, yêu đất nước với lòng quả cảm và quyết tâm sắt đá: “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, “Ở đâu chiến trường cần là thanh niên xung phong có mặt”, “Ở đâu có giặc là thanh niên xung phong xuất quân”, “Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc” đã lập nên những chiến công, những kỳ tích trên các mặt trận, trên các tuyến đường, các trọng điểm địch đánh phá ác liệt nhất, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An vinh dự, tự hào với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng.  

 

Thanh niên xung phong Truông Bồn ra trận


Trong quá trình tham gia phục vụ kháng chiến, 568 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh; trên 7 ngàn cán bộ, chiến sĩ bị thương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ có 7.300 cán bộ, đội viên được chuyển sang các đơn vị bộ đội, công an, các ngành, các cơ quan của Đảng và Nhà nước; các nông lâm trường, xí nghiệp và được cử đi đào tạo tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Công nhân kỹ thuật trong và ngoài nước…Ở môi trường lĩnh vực công tác mới, các cán bộ, chiến sĩ đã tiếp tục phát huy tốt truyền thống của Lực lượng Thanh niên xung phong, khắc phục mọi khó khăn gian khổ để tiếp tục cống hiến và trưởng thành. Còn lại đa số thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương tiếp tục đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An vinh dự, tự hào đã được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó: 121 Huân chương Chiến công và Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân; được Bác Hồ tặng 41 lá cờ thi đua, 4 lá cờ luân lưu và Bác tặng cờ thi đua khá nhất cho Đội Thanh niên xung phong Cù Chính Lan tại mặt trận Trung - Thượng Lào (1952 – 1953). Ngày 27 tháng 01 năm 1969 Đại đội Thanh niên xung phong 333 tại Cầu Cấm, vinh dự được Bác Hồ gửi Thư khen ngợi và Bác gửi tặng đơn vị chiếc đài orionton. Có 501 chiến sỹ thi đua, 253 dũng sỹ thắng Mỹ; 7 đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải tặng Danh hiệu “Dũng sỹ thắng Mỹ ngành giao thông vận tải”. Đặc biệt, có 5 tập thể Thanh niên xung phong và 1 cá nhân được Phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đó là: Lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An; Tập thể 14 chiến sĩ Đại đội 317 tại Truông Bồn; Đại đội 202 – Đội 241 của tỉnh Nghệ An làm nhiệm vụ tại tỉnh Quảng Bình và đồng chí Hồ Thị Thu Hiền, Đại đội trưởng; Đại đội 333 – Đội 67 tại Cầu Cấm và Đại đội 168 Nghệ An phục vụ Đoàn 559 – đường Trường Sơn.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Lực lượng cựu thanh niên xung phong, đồng thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ với vai trò Nhân chứng lịch sử để giải quyết các chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, từ năm 1995, tỉnh Nghệ An đã được hình thành Ban Liên lạc Cựu Thanh niên xung phong của Tỉnh. Đến năm 1997, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn có Quyết định thành lập Ban liên lạc Cựu Thanh niên xung phong, do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh đoàn kiêm Trưởng Ban. Tháng 7 năm 2005, Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh. 25 năm qua (1995 - 2020), từ khi là Ban Liên lạc và đã trải qua 3 nhiệm kỳ Đại hội, mặc dù hoạt động của Ban Liên lạc Cựu Thanh niên xung phong và Hội Cựu Thanh niên xung phong các cấp trong điều kiện có nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, nhất là sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 20/21 Hội Cựu Thanh niên xung phong cấp huyện (huyện Kỳ Sơn không có cựu thanh niên xung phong), trong đó có 394 cơ sở Hội xã, phường, thị trấn với tổng số 19.279 cán bộ, hội viên tham gia sinh hoạt tại 1.500 chi hội thôn, xóm, bản. Hội Cựu Thanh niên xung các cấp đã tạo ra được những phương thức hoạt động phù hợp, đạt được những thành quả quan trọng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Hiện nay, các cấp Hội đã và đang tích cực phát huy vai trò của Tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với công tác giáo dục truyền thống cách mạng; đồng thời tiếp tục phát huy và làm tốt vai trò Nhân chứng lịch sử trong việc giải quyết tồn đọng chính sách đối với thanh niên xung phong đối với những đồng đội đã hy sinh, bị thương trong thời kỳ phục vụ kháng chiến và những đồng đội trong cuộc sống hiện nay đang gặp nhiều khó khăn…. Tổ chức thực hiện có hiệu quả hai phong trào thi đua xây dựng “Qũy nghĩa tình đồng đội” và hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội” với phương châm “Khó giúp, ốm thăm, chết viếng, thọ mừng” giúp cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thông qua hoạt động này, nhằm làm sống lại những tình cảm thiêng liêng, thắm tình đồng đội trong mỗi cán bộ, hội viên, góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Phát huy vai trò tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở gắn với cuộc vận động “Cựu thanh niên xung phong nguyện nêu gương sáng học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua các phong trào, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Uống nước nhớ nguồn", “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” v.v…góp phần tạo nên sự gắn kết sức mạnh của cộng đồng trong công cuộc đổi mới đất nước.

Ngược thời gian trở về với 71 năm về trước, trong đó những năm tháng đã qua trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Lực lượng Thanh niên xung phong vinh dự, tự hào được sự quan tâm, chăm sóc của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu; Sự quan tâm của Tổ chức Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sự quan tâm của Bác đối với Lực lượng Thanh niên xung phong không chỉ về chủ trương mà Bác còn quan tâm cả những vấn đề cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ, đội viên và giao cho tổ chức Đoàn từ cơ sở tuyển chọn. Bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” Bác tặng khi Bác đến thăm đơn vị Thanh niên xung phong 312 ngày 20 tháng 3 năm 1951 tại bản Nà Cù, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn đã trở thành Bài ca chính thức của tuổi trẻ, và là phương hướng tư tưởng và hành động của Lực lượng Thanh niên xung phong và tuổi hệ trẻ Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng./.

 

Chu Vĩnh Hiệp