Gia Lai: Hành trình về nguồn tại căn cứ địa cách mạng khu 10

14:33 02/12/2019     1084

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Ngày 30/11, Hội LHTN tỉnh Gia Lai đã tổ chức chuyến hành trình về khu căn cứ cách mạng của tỉnh Gia Lai ở xã Kroong, huyện Kbang. Gần 100 hội viên thanh niên của các cơ sở Hội trong toàn tỉnh đã tham gia hành trình.

Hội trao cây giống và hướng dẫn cách trồng cây Măcca cho thanh niên nghèo

 

Trong chương trình hành trình về nguồn Hội LHTN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực như dâng hoa và hương tại đền thờ Bác Hồ ở khu di tích Krong, thăm quan các điểm di tích tại khu căn cứ cách mạng của tỉnh, thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn xã, tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 200 người dân khó khăn, hỗ trợ cho 5 hộ thanh niên khó khăn 400 cây giống Macca trị giá 20 triệu đồng.

Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Gia Lai tại xã Kroong, huyện Kbang trước đây được gọi là Căn cứ địa cách mạng khu 10, một địa điểm quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh. Nơi đây, những cơ quan đầu não của tỉnh Gia Lai đã đứng chân trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt (1955-1975). Mặc dù quân thù huy động nhiều phương tiện, lực lượng và dùng mọi cách để đánh phá nhưng căn cứ địa cách mạng Khu 10 luôn đứng vững, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của tỉnh Gia Lai.

Chuyến hành trình về căn cứ cách mạng Kroong là dịp để thế hệ cán bộ, hội viên thanh niên tỉnh nhà có dịp tri ân thế hệ cha anh đi trước, cố gắng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trong công tác học tập, lao động, rèn luyện và cống hiến nhiều hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

*Trước đó, tại Công viên văn hóa KpăKLơng, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Gia Lai đã tổ chức liên hoan Cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu niên cụm số II tỉnh Gia Lai lần thứ VI, năm 2019.

Hơn 200 diễn viên đến từ các đội cồng chiêng thanh thiếu niên của cụm số II gồm 5 huyện và thị xã  phía Tây của tỉnh gồm Krông Pa, Ia Pa, Chư Sê, Phú Thiện, Chư Pưh và thị xã Ayunpa đã có dịp so tài.

 

Các đội biểu diễn Cồng chiêng

 

6 đội cồng chiêng thanh thiếu niên có phong cách trình diễn khác nhau nhưng đều mang đến liên hoan những sắc màu riêng mang đặc trưng văn hóa từng vùng. Những lễ thức cầu mùa, nghi lễ trưởng thành, mừng lúa mới, đâm trâu mừng chiến thắng, lễ bỏ mả… được tái hiện sinh động trong âm thanh cồng chiêng khi trầm lắng, khi rộn rã vui tươi. Những cô gái trong trang phục truyền thống sặc sỡ với nhịp xoang lúc khỏe khoắn, lúc khoan thai nhịp nhàng đã hòa điệu cùng tiếng chiêng để làm nên những màn trình diễn đặc sắc, ấn tượng, của những miền đất khác nhau của buôn làng Tây Nguyên.

Cồng chiêng là một trong những giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc Tây Nguyên, được thế giới vinh danh, công nhận. Liên hoan Cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu niên là cách để tuổi trẻ thêm một lần tôn vinh văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, qua đó khơi dậy lòng tự hào truyền thống văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, động viên phong trào tập luyện cồng chiêng trong Thanh thiếu niên.

Những năm qua, Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ trong thanh thiếu niên được Hội LH thanh niên tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm, tổ chức ở nhiều cấp khác nhau, đã lan tỏa phong trào giữ gìn bản sắc vắn hóa trong giới trẻ ngày càng rộng rãi. Đây cũng là một phương thức đoàn kết, tập hợp thanh niên hiệu quả đối với mỗi cơ sở đoàn. Chính vì thế, việc giữ gìn và phát huy là trách nhiệm không chỉ của riêng ai. Đối với giới trẻ lại càng cần chú trọng hơn nữa. Bởi đây chính là gạch nối của thời gian, của tương lai đất nước.

 

Hà Đức Thành- TĐ Gia Lai (TL)