Dùng mạng xã hội để lan tỏa những điều hay, cái đẹp

15:06 16/06/2020     5503

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Tại tọa đàm “Tuổi trẻ miền Đông Nam Bộ tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng”, nhiều đại biểu đã chia sẻ những cách làm hay tại địa phương nhằm thu hút, tập hợp và định hướng tư tưởng trong ĐVTN, hội viên từ mạng xã hội (MXH).

Buổi tọa đàm được tổ chức tại huyện Côn Đảo, trong khuôn khổ chương trình Liên hoan CLB Lý luận trẻ Cụm miền Đông Nam Bộ lần thứ I (từ ngày 10 đến 13/6).

Theo các đại biểu, không thể phủ nhận mặt tích cực của MXH đến ĐVTN, tuy nhiên bên cạnh đó tác động từ mặt trái của MXH cũng đang là vấn đề đáng lo ngại. Lúc này, tổ chức Đoàn cần thể hiện vai trò thủ lĩnh, tập hợp thanh niên trên MXH để kịp thời chia sẻ, nhân lên những cái hay, cái tốt, đồng hành với ĐVTN trên MXH.

Sử dụng mạng xã hội để truyền tải những câu chuyện tốt, những việc làm hay của ĐVTN cũng là cách để lan tỏa phong trào đoàn, hội, định hướng tư tưởng cho ĐVTN. Trong ảnh: ĐVTN xã Kim Long, huyện Châu Đức vẽ tranh tường tuyên truyền An toàn giao thông, phòng chống COVID-19

 

Anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn BR-VT khẳng định, sự phát triển của MXH đã giúp hoạt động đoàn ở cơ sở, địa bàn dân cư thêm thuận lợi. “Mọi hoạt động, phong trào, gương người tốt - việc tốt của ĐVTN… được chúng tôi cập nhật thường xuyên, liên tục trên các fanpage, Zalo, Facebook cá nhân. Qua đó nhân lên những cái hay, cái đẹp trong ĐVTN”, anh Lê Văn Minh cho hay.

Việc sử dụng MXH sao cho hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực cho bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời tránh những ảnh hưởng tiêu cực do công cụ này mang lại cũng được các đại biểu chia sẻ.

Anh Bùi Vũ Thanh Toàn, Chính trị viên Đại đội, Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ Lữ đoàn 23 (Quân khu 7) cho hay, CLB đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang fanpage “Khát vọng tuổi trẻ”. Qua đó, những câu chuyện đẹp, nhân văn, tấm gương tốt được cập nhật thường xuyên trên fanpage. Đồng thời phản bác các thông tin sai trái, phiến diện trên MXH cho ĐVTN.

Còn chị Trương Thị Lệ Thanh (Bí thư Đoàn trường THPT Tân Phú, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho rằng, trong bối cảnh MXH đang tác động mạnh mẽ đến đời sống thanh niên như hiện nay, tổ chức đoàn không thể đứng ngoài cuộc. Trên MXH, các phong trào, hoạt động của đoàn có thể mang lại hiệu ứng mạnh mẽ nhờ tiếp cận thanh niên nhanh hơn và rộng hơn. MXH còn là kênh trao đổi thông tin, cập nhật tình hình hoạt động một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. “Chúng tôi tổ chức các trang fanpage chính thống của các cấp đoàn, hội, thường xuyên chia sẻ thông tin và phản bác những luận điệu sai trái, những câu chuyện chưa đúng sự thật để ĐVTN hiểu hơn, có sự tiếp nhận thông tin chuẩn mực hơn. Không cần to tát, những bức hình, clip kèm những câu chuyện hay cũng có sức lan tỏa tích cực”, chị Thanh thông tin thêm.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc mà các tổ chức Đoàn cần làm là thường xuyên làm công tác tuyên truyền để ĐVTN tự trang bị các phương pháp tiếp cận thông tin trên internet một cách khoa học và đúng đắn; có thái độ phê phán, đấu tranh kiên quyết với những luồng thông tin sai trái. Tuy nhiên bên cạnh đó, bản thân mỗi ĐVTN cũng cần tỉnh táo, sử dụng MXH một cách thông minh và có chọn lọc hơn.

Theo thống kê của Trung ương Đoàn, đến hết năm 2019, cả nước có 61.330 Đoàn cơ sở có trang Facebook với hàng trăm ngàn tin tốt, câu chuyện đẹp được tuyên truyền. Trung ương Đoàn cũng đã phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” nhằm tạo xu hướng tích cực trên MXH về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đồng thời lấn át trước những thông tin xấu, độc hại đối với thanh niên.

 

Diễm Quỳnh