Đồng chí Lê Duẩn với việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên

08:45 07/04/2021     2201

Công tác giáo dục   ​​​​​​​Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn rất quan tâm đến thanh niên và phong trào thanh niên, đến việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ cho thanh niên thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong cách mạng, đồng thời chỉ ra nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội phải coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.

1. Cuộc đời cách mạng của đồng chí Lê Duẩn đã để lại cho chúng ta, nhất là đối với thanh niên Việt Nam, một tấm gương cao đẹp: “Đó là lòng trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao cả. Phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí được thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng. Bất chấp mọi thử thách của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ kéo dài ở các chiến khu, cũng như những năm tháng hoạt động trong vùng địch tạm kiểm soát, đồng chí luôn nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”(1). 

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà…, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(2), trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Duẩn nhìn nhận thanh niên “là lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng của quần chúng”(3), “đóng vai trò nòng cốt trong cách mạng”(4).

 

Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với các diễn viên tỉnh Hòa Bình, năm 1969 - Ảnh: baotanglichsu.vn

 

Quan niệm về thanh niên, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Thanh niên là những người có bầu máu nóng, giàu nghị lực và rất khát khao lý tưởng. Bởi vậy, đối với thanh niên, việc xác định lý tưởng đúng đắn là vấn đề rất quan trọng”(5). Đồng chí nhấn mạnh: “Không phải mọi người sinh ra là đã có lý tưởng, phẩm chất tốt đẹp cả. Lý tưởng, phẩm chất cách mạng chỉ có thể được hình thành trong quá trình đấu tranh cách mạng, trong sản xuất, chiến đấu và tu dưỡng”(6).

Ngay từ tuổi thiếu niên bước chân đến trường, được tiếp nhận những kiến thức về xã hội, nhân văn, khoa học, kỹ thuật, lớp trẻ đã phải trả lời câu hỏi: Học để làm gì? Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng mỗi lúc, mỗi thời kỳ lại có cách trả lời không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau. Trong chế độ xã hội cũ, cha mẹ khuyên con cái học để ra làm quan, để không phải chân lấm tay bùn, để mưu lợi cho bản thân và gia đình. Đó cũng có thể coi là mục đích của cuộc sống, là lý tưởng, nhưng hẹp hòi, ích kỷ - một thứ mục đích, lý tưởng mà thực dân phong kiến đã gieo rắc cho thanh niên. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng vẫn câu hỏi học để làm gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”(8). Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho thanh niên một con đường, một lý tưởng. Từ những lời dạy của Người, vận dụng vào cuộc sống thực tiễn, đồng chí Lê Duẩn nêu yêu cầu: “Thanh niên chúng ta sống phải có lý tưởng cao thượng, mà muốn có lý tưởng cao thượng thì phải có lập trường dứt khoát, rõ ràng về cái sống và cái chết, về cống hiến và hưởng thụ”(9). Đồng chí Lê Duẩn đã ca ngợi, biểu dương những tấm gương thanh niên dũng cảm hy sinh, xả thân vì Đảng, vì dân tộc và cho rằng: “Chúng ta không ai muốn chết, nhưng khi cần phải đấu tranh để giành lấy và bảo vệ cuộc sống của giai cấp, của dân tộc, chúng ta phải dám làm cách mạng, dám chiến đấu, dám hy sinh cả tính mạng của mình. Đứng trước sự mất còn của Tổ quốc, sự thành bại của cách mạng mà quỳ gối, cúi đầu cầu xin sự sống là sỉ nhục, hoặc chỉ bo bo nghĩ đến cá nhân mình, đến gia đình, vợ con mình là ươn hèn ích kỷ. Cuộc sống chỉ cao quý khi chúng ta sống có lý tưởng và để thực hiện lý tưởng, khi cần có thể xả thân vì sự nghiệp chung của dân tộc, của giai cấp”(10).

Bàn về nghĩa vụ của thanh niên đối với Tổ quốc, với nhân dân, đồng chí Lê Duẩn nói: “Tuổi thanh niên là tuổi để cống hiến. Nếu chúng ta nghĩ nhiều đến hưởng thụ, đặt hưởng thụ cá nhân cao hơn tinh thần phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, tức là chúng ta đã hạ thấp phẩm chất của người thanh niên cách mạng, đã sống hoài, sống uổng những ngày đẹp nhất của đời mình. Thanh niên hãy lấy sự hy sinh phấn đấu cho cách mạng làm hạnh phúc cao cả nhất của đời mình, đừng để cho tình cảm cách mạng nguội lạnh vì những toan tính được, mất cho cá nhân. Người nào chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình thì dù cho họ có ở lầu son, gác tía, ăn mâm cao cỗ đầy họ cũng vẫn chỉ là một kẻ nghèo nàn, vì đầu óc họ trống rỗng, quả tim họ không đập cùng một nhịp với cách mạng”(11).

Đồng chí Lê Duẩn đã nêu những nét khái quát để trả lời một vấn đề mà cuộc sống luôn đặt ra: Thế nào là người thanh niên có lý tưởng cách mạng?

Trước hết, người thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc. Lòng yêu nước đó là sự kết tinh của tinh thần giác ngộ cách mạng, giác ngộ về quyền lợi dân tộc và quyền lợi giai cấp vô sản, là sự kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đồng chí Lê Duẩn thường nhấn mạnh: Người thanh niên có lòng yêu nước nồng nàn phải có sự nhất trí cao trong việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa dân tộc - giai cấp - gia đình, khi cần thiết dám hy sinh lợi ích của riêng mình vì lợi ích của dân tộc, của giai cấp; phải có tình yêu lớn - yêu nước, yêu nhân dân, yêu giai cấp; phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tất cả những cái đó không tách rời nhau, mà kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành tinh thần yêu nước sâu sắc và cao đẹp của thanh niên.

Thứ hai, người thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có dũng khí chiến đấu, kiên cường bất khuất, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, dám xả thân vì cách mạng, vì nhân dân, vì nghĩa lớn.

Từ kinh nghiệm của bản thân, vận dụng vào công tác giáo dục thanh niên, đồng chí Lê Duẩn cho biết: “Hồi chúng tôi còn thanh niên, hễ cứ nói đến cách mạng là trong lòng thấy phấn khởi hẳn lên, như muốn bay, muốn nhảy, muốn đem sức mình lay chuyển cả đất trời. Biết làm cách mạng là phải hy sinh, gian khổ, nhưng vẫn say sưa, vẫn hăng hái làm cách mạng, dám sẵn sàng hy sinh vì cách mạng”(12). Đồng chí Lê Duẩn cho rằng, một trong những đức tính đầu tiên của người thanh niên cộng sản, đó là sự tận tụy và lòng trung thành. Chỉ có sự tận tụy thì mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng trong chiến đấu cũng như trong sản xuất hay bất cứ công tác cách mạng nào. Tận tụy gắn liền với lòng trung thành đối với lý tưởng. Đó là lòng trung thành đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với Đảng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí nhấn mạnh: “Lòng trung thành còn phải được nâng lên thành đức hy sinh, xả thân vì cách mạng. Không có đức tính hy sinh, không phải là người cách mạng chân chính. Muốn thực hiện lý tưởng mà không dám hy sinh thì chỉ là nói suông mà thôi”(13). Đồng chí chỉ rõ: “Lý tưởng của thanh niên ta trong thời đại ngày nay là độc lập dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản không phải của riêng ai và càng không thể do một cá nhân hay một nhóm người làm nên được. Cho nên bất cứ việc gì to, nhỏ đều phải hy sinh cái cá nhân nhỏ bé để phục vụ cái tập thể rộng lớn. Nếu chỉ vì cá nhân nhỏ bé tầm thường mà làm việc, mà xây dựng sự nghiệp thì sự nghiệp ấy không những chỉ nằm trong cái nhỏ bé, tầm thường mà có khi còn dẫn tới sai lầm, nguy hiểm”(14). Khi người thanh niên đã biết quên mình vì lý tưởng thì họ có nghị lực, có sức mạnh phi thường. Không phải kẻ thù của chúng ta sợ vũ khí lợi hại, mà trước hết là chúng sợ dũng khí chiến đấu, tinh thần hy sinh, quả cảm của thanh niên. Biết bao lớp thanh niên đi trước đã ngã xuống như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi… Có sự hy sinh của lớp người đi trước mới có thành quả cách mạng ngày nay. Lớp thanh niên ngày nay và sau này còn phải tiếp tục phấn đấu, tiếp tục gánh vác lấy sự nghiệp. Không có đức tính hy sinh thì không thể đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.

Thứ ba, người thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao.

Làm cách mạng phải có tổ chức, có tổ chức mới có sức mạnh. Có tổ chức chặt chẽ thì một trăm người có sức mạnh bằng ba, bốn trăm người. Do vậy, một trong những yêu cầu không thể thiếu được của người cách mạng là phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng, thanh niên vốn có lòng tự trọng cao, trọng phẩm chất, trọng danh dự. Phải mở rộng lòng tự trọng thành ý thức tôn trọng tổ chức, tôn trọng kỷ luật, tôn trọng tập thể - tức là ý thức tổ chức kỷ luật. Đồng chí nhấn mạnh: “Ý thức tổ chức kỷ luật là đạo đức không thể thiếu được của người thanh niên cách mạng, là biểu hiện của người thanh niên có quyết tâm phấn đấu vì lý tưởng cách mạng”(15). Ý thức tổ chức kỷ luật bao giờ cũng gắn liền với tinh thần tập thể. Thanh niên không được đứng ra ngoài tập thể, đứng trên tập thể mà phải ở trong lòng tập thể. Người thanh niên có tinh thần kỷ luật tự giác cao bao giờ cũng là người có tinh thần tập thể cao.

Thứ tư, người thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có tri thức cách mạng, có tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong mọi công tác, mọi hoàn cảnh.

Theo đồng chí Lê Duẩn, thanh niên có tình cảm cách mạng, có dũng khí chiến đấu, có đức hy sinh, có ý thức tổ chức kỷ luật chưa đủ, mà còn phải quyết tâm học tập để hiểu biết về cách mạng, nắm vững những tri thức khoa học cách mạng.

Tri thức cách mạng tức là trình độ chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Nắm vững tri thức cách mạng tức là phải hiểu và nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, am hiểu tình hình thực tiễn, có trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, quân sự. Đồng chí Lê Duẩn thường nhắc tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Do ít hiểu biết tình hình trong và ngoài nước, ít nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, cho nên gặp thuận lợi thì dễ lạc quan tếu, gặp khó khăn thì sẽ dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo”(16). Và đồng chí yêu cầu đảng viên, cán bộ đoàn viên, thanh niên phải chú ý thực hiện tốt lời dạy của Người.

Sáng tạo là biểu hiện của tinh thần độc lập, tự chủ, của tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng cao. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng: “Thanh niên là người giàu lý tưởng cho nên cũng giàu tính sáng tạo. Nếu người thanh niên không có lý tưởng, thiếu nhiệt tình sôi nổi, sống chỉ để hưởng thụ, làm việc chỉ vì đồng lương... thì không có sáng tạo... Tự ti, ỷ vào người khác cũng không thể có sáng tạo, không phải là người cách mạng chân chính, không phải là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin”(17). Đồng chí nhấn mạnh: “Yêu cầu cấp bách của thanh niên ta hiện nay là phải ra sức học tập khoa học, kỹ thuật hiện đại của thế giới để nhanh chóng xây dựng đất nước thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”(18).

2. Trong giai đoạn hiện nay, hơn bao giờ hết, đoàn viên, thanh niên cần xây dựng cho mình tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo. Bởi lẽ, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đang đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân đóng góp công sức xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đối với tuổi trẻ, hành trang thiết yếu để vào đời hôm nay và đi tới tương lai không có gì quý hơn là trau dồi, nâng cao trình độ về mọi mặt.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân, tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”(19). Thanh niên được Đảng ta đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. 

Hiện nay, chúng ta đang cổ vũ mạnh mẽ cho các phong trào lớn là: Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước, Tuổi trẻ sáng tạo, Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,... vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; nghĩa là chúng ta có một mục tiêu cụ thể, một lý tưởng phấn đấu gắn bó với từng đoàn viên, thanh niên. Các phong trào này có sức thu hút lớn, được đông đảo thanh niên hưởng ứng tham gia, tạo nên một sinh khí mới cho thanh niên. Lẽ sống vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã đi vào cuộc sống của thanh niên qua con đường lập thân, lập nghiệp, cống hiến cho Tổ quốc; hay nói cách khác, đây chính là lý tưởng phấn đấu không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài; bởi lẽ dân giàu, nước mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là công việc của nhiều thế hệ. Trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, từng gia đình cũng như toàn xã hội là phải không ngừng giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Trước mắt, cần tập trung giáo dục, định hướng, cổ vũ thanh niên tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030 và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Kế thừa và phát huy quan điểm giáo dục, bồi dưỡng thế hệ thanh niên của các bậc tiền bối và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian tới, công tác thanh niên cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên; xây dựng chuẩn mực đạo đức và định hướng giá trị mới cho thanh niên theo tư tưởng, đạo đức và tấm gương Hồ Chí Minh.

Hai là, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội cho mọi thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới.

Ba là, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển toàn diện. Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam.

Bốn là, xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đội dự bị tin cậy của Đảng. Đoàn cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác của Đoàn.

Năm là, phát huy sự nỗ lực phấn đấu của mỗi thanh niên trong học tập, lao động và cuộc sống; không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân có ích, thành viên tốt trong gia đình, tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước./.

-----------------------------------------------

(1) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Báo Nhân Dân, ngày 06-7-1986

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 216

(3) - (6) Lê Duẩn: Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr.17, tr. 25, tr. 89, tr. 111

(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 179, tr. 265

(9) - (15) Lê Duẩn: Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 81, tr. 82, tr. 83 - 84, tr. 102, tr. 102, tr. 103, tr. 105

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 29 - 30
(17) - (18) Lê Duẩn: Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 103, tr. 110

(19) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 41

 

Nguyễn Thị Kim Dung
PGS, TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

theo Tạp chí Tuyên giáo