Đoàn Thanh niên cần trở thành điểm tựa, hỗ trợ thanh niên vượt khó

11:18 16/09/2020     1649

Công tác giáo dục   Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến thanh niên khởi nghiệp, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động… Hơn bao giờ hết, Đoàn Thanh niên rất cần phải trở thành điểm tựa, hỗ trợ thanh niên vượt khó.

Ngày 16/9, tại Đồng Nai, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ mười hai, khóa XI. Anh Lê Quốc Phong, Bí thứ Thứ nhất Trung ương Đoàn và anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn chủ trì hội nghị.

 

 

Tiêu biểu như chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”, “Triệu bữa cơm”, “20.000 việc làm từ xa hỗ trợ sinh viên Việt Nam”, ra đời ứng dụng khai báo y tế toàn dân (NCOVI) chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ; mô hình rô bốt “Dũng sĩ diệt khuẩn” và “Chiến sĩ diệt khuẩn”; kính chắn giọt bắn phòng chống lây nhiễm Covid-19; “ship” bài tập cho học sinh trong mùa dịch; “Ba không, Bốn có” chung tay cùng xã hội phòng, chống dịch; ATM gạo…

Các mô hình tiêu biểu trong vận động, tuyên truyền xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên, tiêu biểu như: Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu”, chiến dịch truyền thông “Tôi thay đổi”, mô hình đám cưới mùa dịch, các mô hình cuộc thi, hoạt động trực tuyến…

Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn trong thời gian qua. Đó là vẫn còn nhiều chương trình, hoạt động của Đoàn không được tổ chức, thay đổi quy mô tổ chức do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; Tình trạng sử dụng ma tuý trong thanh thiếu niên có dấu hiệu khó kiểm soát, song các cấp  chưa có nhiều giải pháp để tham gia khắc phục, ngăn chặn, đẩy lùi.

Công tác hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên trong bối cảnh sau dịch COVID-19 ở một số địa phương, đơn vị còn chưa kịp thời; chưa có nhiều mô hình mới về hỗ trợ thanh thiếu niên phát triển kỹ năng thực hành xã hội…

Lý giải nguyên nhân hạn chế, các địa phương cho biết, do tác động của dịch bệnh COVID-19; việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đoàn ở cấp cơ sở chưa tốt, chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; Đội ngũ cán bộ đoàn được luân chuyển, kiện toàn nhiều nơi đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện…

Góp ý tại hội nghị, chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng lưu ý đến vấn đề ma túy trong giới trẻ. “Ma túy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với cộng đồng. Hiện nay, tình hình đang trở nên phức tạp khi ma túy có rất nhiều cách tiếp cận người trẻ là học sinh, sinh viên. Bằng cách tiếp thị, chào bán trên mạng xã hội, các loại ma túy mới như cỏ mỹ, shisha… dễ dàng mua bán, sử dụng” – chị Quỳnh nhìn nhận.

Cũng theo chị Quỳnh, ở Đà lạt vẫn thường xuyên bắt được những đối tượng mua bán, sử dụng ma tuy; thậm chí đối tượng có khi là học sinh cấp 2, cấp 3. Đáng nói, không ít sinh viên còn tổ chức sinh nhật ở quán bar, karaoke có sử dụng chất kích thích để tạo cảm giác khác lạ.

Về việc thanh niên xung phong trong phong trào chống dịch COVID-19, anh Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ cho rằng, 6 tháng đầu năm 2020, tình hình khác với mọi năm. Trong đó đặc biệt là đoàn viên, thanh niên hăng hái tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. “Một lực lượng lớn tham gia vào tuyến đầu chống dịch là công an, sinh viên y khoa… tham gia công tác phòng chống dịch COIVD-19. Trong 22 ngày đêm khi dịch bệnh bùng phát, đã có gần 3.000 đoàn viên thanh viên túc trực tại 10 chốt trên địa bàn tỉnh. Điều đó thể hiện tinh thần xung kích, được các cấp ngành trên địa bàn Cần Thơ đánh giá cao” – anh Nghĩa bày tỏ.

 

Đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị

 

Đồng quan điểm, anh Đồng Đức Vũ, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công an cũng cho hay, đoàn viên thanh niên Công an rất tích cực, xung kích tham gia công tác phòng chống dịch. Hiện, thanh niên công an quân đội, biên phòng vẫn tiếp tục bám chốt tại các biên giới, tại các khu vực cách ly để đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch  bệnh, không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Linh động biến chuyển công tác Đoàn phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, chị Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng ban Thanh niên công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn cho biết: “Việc làm hậu COVID-19 là vấn đề cần ưu tiên hiện nay. Chúng tôi phối hợp với các Trung tâm giới thiệu việc làm tập trung dạy nghề, chuyển đổi việc làm cho thanh niên công nhân, vì họ là đối tượng mất việc và quay trở về địa phương. Định hướng nghề nghiệp việc làm cho phù hợp”.

Chị Hương đề xuất, thời gian tới Đoàn Thanh niên cần tập trung cho thanh niên công nhân, không tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, tập trung hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho thanh niên công nhân, giải quyết việc làm cho người mất việc, hỗ trợ chính sách bảo hiểm, tiền lương, thất nghiệp cho các bạn thanh niên công nhân nhằm đảm bảo cuộc sống thường nhật…

Bày tỏ về “cơ hội” trong khó khăn, anh Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho rằng: “Chính từ dịch bệnh, chúng ta soi lại và rút ra kinh nghiệm cho chúng ta. Đầu tư tổ chức có chiều sâu nhằm lan tỏa đến đông đảo đoàn viên thanh niên. Trong đó có đề ra các phương thức linh hoạt với tình hình. Chấp nhận giảm một số chỉ tiêu do ảnh hưởng dịch bệnh”.

Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cũng đề nghị khen thưởng, tuyên dương xứng đáng cho các gương thanh niên tiêu biểu thuộc các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch.

Phát biểu tại hội nghị, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: “Trong giãn cách xã hội, chúng ta vẫn tiếp cận được với thanh, thiếu niên thể hiện, với đối tượng khó khăn. Điều đó cho thấy, Đoàn thanh niên các cấp rất linh hoạt trong mọi tình huống. Những việc làm của chúng ta đã được xã hội ghi nhận, các cấp ghi nhận”.

Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn lưu ý, sau dịch nhiều người mất việc, trong đối tượng thanh niên công nhân rất đông, Đoàn thanh niên cần có hướng giới thiệu việc làm, đào tạo, chuyển đổi nghề, việc làm phù hợp cho đối tượng này.

 

Kiều Anh