Bình Dương: Nâng cao chất lượng công giáo dục lý luận chính trị cho ĐVTN

14:21 31/10/2019     936

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Ngày 30/10, Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh Bình Dương tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 10 tại Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia Chùa Hội Khánh.

Thành viên CLB thắp hương tại Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia Chùa Hội Khánh

 

CLB Lý luận trẻ tỉnh đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về phương pháp giảng dạy của giảng viên trẻ trong công giáo dục lý luận chính trị cho đoàn viên, thanh niên hiện nay. 

Các ý kiến trao đổi, chia sẻ, thảo luận tập trung vào vai trò, phương pháp giảng dạy của đội ngũ cán bộ trẻ trực tiếp làm công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị hiện nay tại các Trường, Trung tâm chính trị, các Trường Đại học, Cao đẳng; việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn hiện nay, đặc biệt giáo dục về lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, lý tưởng cách mạng, về sự hy sinh gian khổ của các thế hệ cha ông đi trước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng; phương pháp giáo dục nhằm phát triển đổi mới, tư duy sáng tạo trên cơ sở, nền tảng lý luận và thực tiễn cụ thể, phù hợp với thời đại; việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, các phương pháp giáo dục hiện đại, phù hợp theo các nhóm đối tượng, nắm bắt theo nhu cầu, sở thích của giới trẻ hiện nay...

Tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa mô hình “Tặng sách thay tặng hoa - Khơi nguồn tri thức” do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phát động, trong chương trình, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã trao tặng Qúy Thầy, Cô giáo tham gia chương trình hiện đang là giảng viên tại các Trường những quyển sách ý nghĩa, thay lời cảm ơn, lời tri ân cho sự cống hiến, những tâm huyết dành trọn cho sự nghiệp “trồng người” gửi đến Qúy Thầy, Cô giáo nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Dịp này, các đại biểu đã được tìm hiểu nhiều câu chuyện về nhà sư Thiện Thành tức cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày mất của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (27/11/1929 - 27/11/2019). Theo đó, khoảng cuối năm 1923, do bị mật thám Pháp theo dõi, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Thủ Đức, Sài Gòn cũ, nay là quận Thủ Đức, TP HCM đi đến nhà của Gaston và Lê Đức ở tỉnh Thủ Dầu Một - nay là thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau đó cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa Hội Khánh để gặp người đồng chí của mình là Phan Đình Viện tức cụ Tú Cúc. Cụ Phan Đình Viện quê Hà Tĩnh, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị Pháp truy lùng, phải trốn vào Nam và ở chùa Hội Khánh từ năm 1922.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc hội ngộ với cụ Tú Cúc và Hòa thượng Từ Văn, vị trụ trì thứ 6 chùa Hội Khánh, một nhà sư uyên thâm Phật học và có tinh thần yêu nước. Cùng chung lý tưởng bảo vệ quê hương Tổ quốc, họ đã cùng nhau khởi xướng nhiều hoạt động cứu nước tại chùa Hội Khánh này. Từ cuộc gặp gỡ đó, họ đã quy tụ được những nhà yêu nước tại địa phương như: ông Khôi, ông Nhẫn, thầy Ký Cội, Giáo Thọ Qưới, thầy Từ Tâm v.v... Trong thời gian ở tại chùa Hội Khánh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn đi đến các vùng lân cận như Tân Khánh, Tương Bình Hiệp để truyền bá Hội Danh dự yêu nước, đàm đạo về Y thuật, Phật học…

Những hoạt động yêu nước, tấm lòng nhân hậu, thương người của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây./.

 

 

Minh Hằng - TĐ Bình Dương (NA)